Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo về một cuộc khủng hoảng khí hậu khốc liệt
Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các quốc gia cần đưa ra cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải khí nhà kính, trong đó nước phát thải nhiều cần đi đầu giảm phát thải khí nhà kính, nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và quan tâm, hỗ trợ nước đang phát triển. Ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên mở khóa tài chính tốt hơn và giải quyết sự phân chia tài chính lớn, trong bối cảnh tiến trình thực hiện một số Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) lần đầu tiên bị đảo ngược sau nhiều thập kỷ.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh về khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang hiện hữu
Đa số đại biểu tham dự hội nghị hoan nghênh đề xuất của Tổng Thư ký LHQ về gói khuyến khích tài chính dành cho SDG (ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm) để tăng nguồn tài chính dài hạn cho phát triển bền vững và hành động vì khí hậu. Bên cạnh đó, ủng hộ lời kêu gọi của ông Antonio Guterres về cải cách sâu hơn và lâu dài hơn đối với cấu trúc tài chính quốc tế cho vấn đề này.
Trong chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng Thư ký Antonio Guterres tại Trụ sở LHQ. Thủ tướng ủng hộ các ưu tiên hiện nay của Tổng Thư ký, trong đó có tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dự kiến tổ chức năm 2024, sáng kiến về Chương trình nghị sự mới về hòa bình, Kế hoạch thúc đẩy các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cần hành động quyết liệt hơn cho phát triển xanh, giảm phát thải
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của LHQ.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước đặt ra tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính để phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050; các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện mục tiêu trên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của LHQ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, BĐKH tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố như sụt lún, sạt lở, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo kêu gọi các nước cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa tăng nhiệt độ trái đất.
Theo đó, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp, năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh; xây dựng những mối quan hệ đối tác thế hệ mới. Đẩy mạnh huy động tài chính xanh theo hình thức công tư, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; các nước phát triển, đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho những hoạt động thích ứng vào năm 2025; hỗ trợ các nước đang phát triển, nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra; hệ thống tài chính toàn cầu cần tiếp tục đổi mới toàn diện để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu.
Việt Nam ký Hiệp định về biển cả
Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về biển cả).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Hiệp định về biển cả là một trong những điều ước quốc tế được chú ý nhất trong thập kỷ qua bởi Hiệp định là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene biển ở các vùng biển quốc tế. Cụ thể, Hiệp định đã điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gene biển tại các vùng biển quốc tế. Đây là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào.
Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia
Việc ký Hiệp định lần này đã khẳng định những nỗ lực của đông đảo các quốc gia trong bảo vệ môi trường biển. Hiệp định đã mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận, tham gia nghiên cứu và hưởng lợi từ nguồn gene ở các vùng biển quốc tế. Hiệp định là văn bản tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước Luật biển với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Đối với Việt Nam, Hiệp định mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Đó là tiếp tục củng cố hệ thống văn bản pháp lý dựa trên Công ước Luật biển 1982 trong việc quản trị các vùng biển và đại dương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Mọi yêu sách biển không được phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, phạm vi của các vùng biển quốc tế, nơi tài nguyên sinh vật biển thuộc về toàn thể nhân loại, phải được xác định thông qua và phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.