Bản tin môi trường số 7

Thứ hai, 18/5/2020 | 11:40 GMT+7
Nâng cao chất lượng cảnh báo thiên tai, Hà Nội xây dựng kịch bản úng ngập mùa mưa bão, cả nước nắng nóng trên diện rộng, xuất hiện điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước,... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Nâng cao chất lượng cảnh báo thiên tai

Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn năm 2020 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa và lương thực vẫn được mùa. Năm qua, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống thiên tai là gần 11.000 tỷ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.

Với tình trạng thiên tai trên thế giới như hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, phải được quán triệt. Đặc biệt năm 2020 phải nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến sát tình hình, không để chủ quan ở bất cứ cấp nào, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương hoàn thành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời và đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai của các địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là vấn đề quan trọng trong dự báo, đặc biệt là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khí tượng thuỷ văn, tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo…

Cả nước tiếp tục nắng nóng trên diện rộng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nắng nóng trên diện rộng ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam với nhiệt độ cao nhất 38 độ C.

(Ảnh minh họa)

Dự báo, nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20-21/5.

Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ. Từ ngày 16/5, nắng nóng diện rộng kết thúc ở các khu vực này.

Khu vực Hà Nội ngày 15/5 và ngày 16/5 có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Ngày 17/5 nắng nóng suy giảm ở Hà Nội.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt trong những ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ, vùng núi Bắc Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.  

Xuất hiện điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước

Trong báo cáo số liệu quan trắc hiện trạng môi trường nước lưu vực sông của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) mới đây cho thấy, tại một số hệ thống sông chính của miền Bắc, như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Chảy, sông Đà… nước ở phần thượng nguồn đều có chất lượng tốt.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chất lượng nước bị suy giảm khi chảy qua các khu đô thị hoặc khu vực tập trung nhiều nguồn thải.

Giai đoạn 2017 - 2019, khu vực phía Bắc cũng xuất hiện các điểm nóng mới về ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, tình trạng ô nhiễm bất thường trên sông Châu Giang (khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống sông Bắc Hưng Hải (thuộc địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương) cũng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh. Nguyên nhân được nhận định là do tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề…

Ngoài ra, còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc TP Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương...). Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô (từ tháng 10 - 12 hàng năm) do hệ thống sông đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông gây nước bị ứ đọng, không có dòng chảy.

Chất lượng không khí các đô thị tháng 4 được cải thiện

Tổng cục Môi trường cho biết, trong tháng 4/2020, cùng với việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, các hoạt động giao thương, sản xuất giảm thiểu hoặc dừng hoạt động cũng đã làm cải thiện chất lượng không khí tại nhiều khu vực đô thị trên cả nước.

Kết quả quan trắc trong tháng 4/2020 cho thấy, hầu hết các đô thị trên cả nước đều có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên tại thủ đô Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 đã vượt giới hạn cho phép trong một số ngày (Theo số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm (tại Hà Nội) do Sở TN&MT Hà Nội quản lý; 2 trạm (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) của Đại sứ quán Mỹ).

Các đô thị trong tháng 4 chất lượng không khí được cải thiện

Trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 16/4/2020, cả nước thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội (riêng Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22/4). Trong thời gian này, các hoạt động sản xuất, giao thông, du lịch, dịch vụ… hầu hết đều giảm hoặc dừng hoạt động, điều này đã tác động khá nhiều đến chất lượng không khí. Cũng trong khoảng thời gian này, tại miền Bắc là thời gian chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, thời tiết biến động rõ rệt, xen kẽ những ngày nhiệt độ thấp, mưa ẩm (do ảnh hưởng của những đợt gió mùa đông bắc cuối cùng) là những ngày thời tiết nắng nóng, khô lặng gió, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao. Chính vì vậy, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị miền Bắc cũng có sự biến thiên mạnh giữa các ngày.

Hà Nội xây dựng 3 kịch bản chống úng ngập mùa mưa bão

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội vừa xây dựng 3 kịch bản giả định phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2020.

Kịch bản 1, mưa dưới 50mm trong 1 ngày; kịch bản 2, mưa từ 100 đến 200mm trong 3 ngày; kịch bản 3, mưa từ 200 đến 300mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày.

Sở NN&PTNT đã có các giải pháp chung. Đó là, thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông, theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa một cách linh hoạt và chủ động để đảm bảo nguồn nước tưới và kịp thời chống úng khi mưa bão (đặc biệt là giai đoạn đầu vụ Mùa).

Hà Nội lên phương án chống úng ngập mùa mưa bão. (Ảnh minh họa)

Các công ty thủy lợi chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi nhận bàn giao từ UBND các quận, huyện, thị xã theo nội dung Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND TP. Chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa và hệ thống cống dưới đê.

Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai giải tỏa các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm; tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương chính (đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tưới, tiêu chính).

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp gia cố bờ khu nuôi, chuẩn bị vật tư như đăng, lưới đề phòng tràn bờ khu nuôi khi có mưa lớn và nước lũ. Xác định vị trí các vùng chuyên canh rau màu, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao để xây dựng phương án tiêu thoát nước hợp lý…

 

Huyền Châu