Thủ tướng yêu cầu chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng điện
Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc:
Tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đối số, phát triển công nghệ cao – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện, truyền tải điện trong phạm vi quản lý của cơ quan mình. Tuyệt đối không để các dự án, công trình ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính của Bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân
Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025 và các năm tiếp theo; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi diễn biến của nhu cầu điện và các yếu tố phát sinh để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả; định kỳ hàng quý kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tập trung rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế - xã hội; cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước…
Phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện các năm 2021 - 2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2031 – 2050. Đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; có xét đến trao đổi xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực, đề xuất các phương án phát triển hệ thống điện toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống điện về các mặt: tiến độ xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ; nguồn vốn và khả năng huy động vốn; đánh giá về tác động môi trường và lập báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) trong phát triển điện lực; nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.
Ảnh minh họa
Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.
Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để phát triển điện hạt nhân bền vững, cần hình thành hệ sinh thái cho điện hạt nhân, năng lượng hạt nhân. Vì thế nguồn nhân lực phải được chuẩn bị rất đa dạng cả nhân lực về kỹ thuật, về nghiên cứu khoa học, về quản lý vận hành… trong hệ sinh thái năng lượng hạt nhân.
Quang cảnh hội nghị
Triển khai một số công việc cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo và việc này phải xong trong quý I/2025; cùng với đó, đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành công thương.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo và nhân lực được đào tạo về điện hạt nhân, cũng như cơ chế, chính sách đối với lao động làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân (như chế độ tiền lương, bảo hiểm cho người lao động…). Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, rà soát với năng lực của mình để đăng ký mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật…