Bản tin năng lượng số 4/2019

Thứ hai, 18/11/2019 | 09:09 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tăng cường huy động các nguồn điện chạy dầu trong các tháng cuối năm 2019, Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước 1 sẽ được nâng cấp thành nhà máy chu trình hỗn hợp hiện đại...

Nhiệt điện Hiệp Phước 1 sẽ được nâng cấp thành nhà máy chu trình hỗn hợp hiện đại

Tập đoàn Siemens sẽ hỗ trợ Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước nâng cấp Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước 1 tại TPHCM trở thành nhà máy điện chu trình hỗn hợp hiện đại.

Nhà máy sau khi được cải tạo nâng cấp sẽ được đốt bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì dầu mazut thường được sử dụng từ trước tới nay. Công suất của nhà máy cũng được nâng lên thành lên 1.200 MW. Bằng cách chuyển đổi nhiên liệu, triển khai các tuabin khí thế hệ F hiện đại từ Siemens và sử dụng nhiệt thải từ các tuabin khí để sản xuất điện, lượng khí thải CO2 có thể được cắt giảm gần một nửa cho mỗi kW điện được sản xuất. Với dự án này, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước sẽ đảm bảo đồng thời cung cấp điện vừa tin cậy, an toàn vừa thân thiện với môi trường.

Phạm vi cung cấp của Siemens bao gồm 3 tuabin khí SGT5-4000F, 3 máy phát điện SGen5-1000A, 3 lò hơi thu hồi nhiệt, thiết bị điện và hệ thống điều khiển SPPA-T3000 liên quan. Sau khi nhà máy điện đã được cải tạo nâng cấp, nhiệt thải từ các tuabin khí sẽ được sử dụng để sản xuất hơi nước. Hơi nước thu được sẽ được sử dụng để chạy tuabin hơi và máy phát điện hiện có để sản xuất điện. Dự kiến, việc nâng cấp sẽ hoàn thành ​​vào nửa sau của năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu điện hiện tại ở Việt Nam, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước sẽ có thể cung cấp khoảng 520 MW cho lưới điện vào giữa năm 2021 thông qua vận hành tua bin khí theo chu trình hở.

EVN tăng cường huy động các nguồn điện chạy dầu trong các tháng cuối năm 2019

Với tình hình công suất và sản lượng dự phòng của các nguồn điện toàn hệ thống trong các tháng còn lại năm 2019 không cao, tình hình nước về các hồ thủy điện vẫn không cải thiện, hệ thống điện sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu để đảm bảo nhu cầu phụ tải. Sản lượng nhiệt điện dầu dự kiến khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Nếu tính lũy kế năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỷ kWh. Mặc dù có nhiều khó khăn về nguồn điện, tuy nhiên EVN cam kết đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2019.

Sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể lên tới 8,6 tỷ kWh. (Ảnh minh họa)

Đối với năm 2020, tính toán cân bằng cung cầu điện đến nay cho thấy, việc cung cấp điện vẫn có thể được đảm bảo nếu không có những yếu tố cực đoan, bất thường (như thời tiết thủy văn, nước về các hồ thủy điện ở mức tương đương trung bình nhiều năm, phụ tải hệ thống không tăng trưởng đột biến, tình hình cung cấp than, khí đáp ứng yêu cầu phát điện...). Tuy nhiên, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỷ kWh.

CNBC (Mỹ): Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo

Trong bài viết có tiêu đề: “Việt Nam đang đi trước Đông Nam Á trong nỗ lực sử dụng năng lượng tái tạo”, trang tin CNBC của Mỹ nhận định: Việt Nam đang thể hiện năng lực vượt trội so với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Theo CNBC, Đông Nam Á từ lâu bị cho là "tụt hậu trong khả năng thích nghi với các nguồn năng lượng bền vững” và phụ thuộc rất nhiều vào tiêu thụ than. Tuy nhiên, Việt Nam có “tham vọng táo bạo là sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn như gió và mặt trời”.

Andreas Cremer, giám đốc năng lượng và cơ sở hạ tầng châu Âu, Trung Đông và châu Á tại công ty đầu tư DEG của Đức cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo lên khoảng 23% vào năm 2030. Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), một cơ quan phát triển có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, ông Cremer nhấn mạnh, 10,7% hỗn hợp năng lượng sẽ là từ năng lượng tái tạo và 12,4% sẽ là từ thủy điện.

Chia sẻ với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng sạch châu Á (Asia Clean Energy Summit), ông Cremer nói: “Kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam đang phát triển liên tục. Các mục tiêu năng lượng tái tạo và thủy điện của chính phủ Việt Nam cho hỗn hợp năng lượng đã tăng từ 16% năm 2011 lên 23% vào năm 2016.

Điều đó thực sự khá ấn tượng nếu bạn nhận ra rằng họ chỉ thay đổi kế hoạch phát triển năng lượng của họ vào năm 2016 và chỉ bắt đầu từ năm nay”.

Fukushima (Nhật Bản) đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Đất nông nghiệp ở Fukushima (Nhật Bản) đã không được sử dụng sau thảm họa tan chảy lõi hạt nhân vào năm 2011 đang có cơ hội thứ hai trong việc được tái sử dụng.

Một nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản đã lên kế hoạch mới trong việc sử dụng vùng đất bị bỏ hoang để xây các nhà máy điện từ gió và năng lượng mặt trời, cung cấp điện năng cho Thủ đô Tokyo. Kế hoạch đang kêu gọi xây dựng 11 nhà máy năng lượng mặt trời và 8 nhà máy điện gió, với chi phí ước tính khoảng 2,75 tỷ USD.

Fukushima (Nhật Bản) đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Dự án được cho là sẽ hoàn thành vào tháng 3/2024, được nhóm các nhà đầu tư bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng Mizuho hỗ trợ. Một thành viên của chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận sẽ hỗ trợ 275 triệu USD cho dự án.

Theo báo cáo từ Nikkei, các nhà quy hoạch dự kiến ​​21 nhà máy sẽ tạo ra 600 MW điện bằng khoảng 2/3 công suất một nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra.

Các nhà máy này sẽ liên kết với nhau bởi một lưới điện có độ dài lên đến 80km và chí phí để xây dựng lưới điện là 266 triệu USD. Lưới điện sẽ được Công ty điện lực Tokyo giám sát và sử dụng để truyền tải điện được sản xuất từ các nhà máy đến Tokyo.

Sau bi kịch tan chảy lõi hạt nhân vào năm 2011, tỉnh Fukushima đã tích cực hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tháng 3 vừa qua, tỉnh này cũng thông báo mục tiêu sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2040.

PV