Bộ Công Thương họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Thứ năm, 13/2/2025 | 09:35 GMT+7
Ngày 12/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Căn cứ văn bản số 9600/CPVP-CN ngày 26/12/2024 của Văn phòng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã rà soát và xây dựng các nội dung cần xin ý kiến tham vấn đối với điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo và chính thức trình Hội đồng trong phiên họp tới.

Trong đó, về dự báo tăng trưởng, phải đặt ra 3 kịch bản: kịch bản cơ sở; kịch bản cao và kịch bản cực đoan theo đúng khái niệm trong lĩnh vực điện. Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị, theo biểu đồ tăng trưởng GDP những năm tới đây phải điều chỉnh các kịch bản cơ sở từ 45 - 50%; kịch bản cao từ 60 - 65% và kịch bản cực đoan từ 70 - 75% so với Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các phản biện cần phải thay đổi tư duy về phát triển điện cũng như tư duy về phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Về nguồn, Bộ trưởng nhấn mạnh, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải tính toán rõ tiềm năng, lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch vừa là nguồn điện nền.

Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới, điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước, khí hóa lỏng và điện hạt nhân.

Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương.

Về giải pháp, Bộ trưởng đồng tình với những ý kiến của các thành viên phản biện nêu. Đồng thời, khẳng định tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán.

Bộ trưởng yêu cầu, phải khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải. Có như vậy chúng ta mới có thể huy động xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền, từ đó mới thực hiện được mua bán điện trực tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương đề xuất khung giá điện, đặc biệt phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn cùng đơn vị chủ trì soạn thảo, cơ quan thường trực khẩn trương lấy đủ ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định cũng như các thành viên phản biện để tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ trong những ngày tới đây.

An Vinh (t/h)