Quy hoạch, xây dựng

Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Thứ sáu, 5/8/2022 | 14:43 GMT+7
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Với 16 chương và 237 điều, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội vào tháng 10/2022.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, phản ánh của doanh nghiệp đến VCCI cho thấy thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, tạo ra chi phí lớn của doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Cụ thể, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai; trình tự thủ tục đất đai với một số lĩnh vực khác còn gây khó, tình trạng mâu thuẫn gây rủi do cho doanh nghiệp…

Theo khảo sát của VCCI, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh giá đất tăng nhanh. Mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo) xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; tổng kết Luật Đất đai. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật đất đai và các Luật có liên quan.

"Đây là hội thảo chính thức đầu tiên trong toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Sửa Luật Đất đai là vấn đề khó, phức tạp nhạy cảm, nhưng  không thể không làm. Sự chuẩn bị của Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) là công phu, nghiêm túc, khẩn trương, cẩn trọng, cầu thị", ông Phạm Tấn Công chia sẻ thêm.

Giới thiệu nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh định giá đất cụ thể. Cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND tỉnh xác định. Quá trình thực hiện, cơ quan này thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất. Căn cứ kết quả này, cơ quan định giá trình hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm chủ tịch và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá. Cơ quan định giá đất cấp tỉnh giúp hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định giá đất; được thuê đơn vị tư vấn thẩm định lại kết quả.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, cần phải làm rõ quy định cơ quan định giá đất cấp tỉnh là đơn vị nào, là phòng định giá đất của Sở TN&MT hay Sở Tài chính?

Theo ông Tuyến phân tích: Nội dung này chưa đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể. Tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công. Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định, dùng làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất không nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tỷ lệ cao (60% khiếu nại của người dân). Nguyên nhân chủ yếu là giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Điều này khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời các đại biểu một số vấn đề về quy hoạch sử dụng đất và tài chính đất đai. Bộ trưởng cho rằng, đây là chủ đề còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Do đó, Bộ TN&MT đề nghị các đại biểu tiếp tục có ý kiến góp ý. Bộ TN&MT luôn lắng nghe và sẽ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Khánh Nam