Bồi thường ít người dân có thể khởi kiện công ty nước sạch sông Đà

Thứ sáu, 25/10/2019 | 16:04 GMT+7
Ngày 25/10 Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gửi lời xin lỗi người dân và sẽ cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với một tháng tiền nước. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng điều này chưa bù đắp được những tổn thất do công ty gây ra đối với sức khỏe, tiền bạc, thời gian… của họ trong thời gian vừa qua.

Người dân có thể khởi kiện công ty Nước sạch sông Đà

Chia sẻ với PV Tạp chí Điện tử Năng lượng Sạch Việt Nam luật sư Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Nguyễn khẳng định trong vụ việc này người dân có thể khởi kiện công ty. Công ty nước sạch phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trong Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm về cấp nước nông thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn. Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, nước.

Người sử dụng nước là khách hàng của công ty và quyền của khách hàng được quy định tại điều 56, Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; trong đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, hợp đồng giữa người dân và công ty nước sạch là quan hệ mua bán thông qua hợp đồng cung cấp nước. Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng là vi phạm hợp đồng dịch vụ cấp nước. Khách hàng (người dân) có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Ngọc

Theo luật sư Minh Ngọc, Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng có nêu nếu hàng hóa của bên cung cấp hàng hóa gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì phải có trách nhiệm bồi thường.

Đồng thời, tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT, đơn vị cấp nước có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp, công khai thông tin về chất lượng nước sạch…

Việc cố tình không công khai chất lượng nước sạch, cố tình bán nước có mùi lạ, bị ô nhiễm, công ty đã vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện với người tiêu dùng. Do đó, công ty Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thiệt hại công ty phải bồi thường cho người dân gồm: thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

“Trong trường hợp này người dân có thể xác định được những thiệt hại cụ thể của từng gia đình về việc nước nhiễm bẩn. Đó là việc phải mua nước đóng bình sử dụng, mang quần áo đi giặt thuê, không nấu nướng được phải mua đồ ăn phát sinh chi phí, xếp hàng lấy nước, tổn thất về tinh thần lo lắng, phát sinh chi phí khám chữa bệnh… Đây là những căn cứ để người dân có thể tính toán và yêu cầu bồi thường hại. Nếu việc yêu cầu bồi thường không được chấp nhận thì có thể khởi kiện tại tòa án", luật sư Minh Ngọc cho hay.

Về trình tự, đầu tiên, người dân làm đơn khởi kiện theo mẫu của Nhà nước kèm theo chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật và gửi tới tòa án nhân dân có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án sẽ phân công thẩm phán thụ lý vụ án xem xét hồ sơ.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Minh Ngọc, trong vụ việc này, thiệt hại rõ ràng là có. Cơ sở pháp lý đòi bồi thường là có nhưng thực tiễn thì không khả thi. Vì về nguyên tắc, thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu, lỗi đến đâu bồi thường đến đó. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại, mức bồi thường, người đứng ra khởi kiện lại không dễ dàng.

Nếu muốn khởi kiện người dân phải thu thập hóa đơn, chứng từ… chứng minh thiệt hại thực tế của mình. Người dân có thể cử ra một người đại diện hoặc thông qua các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để làm việc với công ty.

Bảo An