Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung. Tính đến nay, các KCN có 252 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1,779 tỷ USD, vốn thực hiện 1,158 tỷ USD. Trong đó, 225 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1,370 tỷ USD; 26 dự án FDI tổng vốn đăng ký 378,84 triệu USD và một dự án ODA có vốn đầu tư 21,13 triệu USD.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN của Cần Thơ là 2.044,86 triệu USD, tăng 9,6% so với năm 2020. Trong đó, sản xuất công nghiệp đạt gần 1.481 triệu USD, dịch vụ - thương mại đạt 654,06 triệu USD, xuất khẩu đạt 554,07 triệu USD. Năm 2021, các doanh nghiệp trong các KCN Cần Thơ thực hiện các nghĩa vụ thuế ước khoảng 1.800 tỷ đồng.
Năm 2022, Cần Thơ chú trọng phát triển các khu công nghiệp
Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Cần Thơ, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN. Ngày 13/10/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Công văn số 4920/UBND-KT về việc lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN VSIP Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, Công ty CP GL GROUP đã khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư KCN tại quận Ô Môn và quận Cái Răng...
Đồng thời, Ban quản lý cũng tham mưu thủ tục thành lập KCN Vĩnh Thạnh (quy mô 900 ha) và KCN Ô Môn - Cần Thơ (quy mô 500 ha). Hai dự án KCN này được xem là điểm nhấn trong thu hút đầu tư vào Thành phố trong thời gian tới.
KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; KCN Ô Môn - Cần Thơ vị trí quy hoạch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN tại Văn bản số 156/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, khu vực quy hoạch 2 KCN này chủ yếu là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ có chi phí thấp nên việc triển khai sẽ thuận lợi, nhanh chóng.