Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng, quy hoạch xây dựng là công cụ quan trọng quản lý và kiểm soát việc triển khai đầu tư xây dựng. Quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, đảm bảo khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo nguồn lực phát triển đô thị.
Hiện nay, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đã được áp dụng thống nhất trên cả nước. Các địa phương đang tích cực triển khai và ngày càng đi vào nề nếp. Chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng cao hơn và trở thành một trong những công cụ hữu hiệu trong quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.
Trong năm 2021, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%. Trong đó, 2 đô thị đặc biệt Hà Nội, TPHCM và 19 đô thị loại I đạt khoảng 80 - 90%. Các đô thị khác đạt khoảng 40 - 50%. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100%.
“Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc; lập, phê duyệt thiết kế đô thị... đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kiến trúc ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn”, bà Trần Thu Hằng nhận định.
Luật Kiến trúc được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, phát triển nền kiến trúc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Đặc biệt, trong năm 2021, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch - kiến trúc trong năm 2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Trong đó, một số quy hoạch vẫn còn thiếu các căn cứ lập quy hoạch. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ các cấp độ theo quy định. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức.Việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm và thiếu đồng bộ…
Bên cạnh đó, tỷ lệ độ phủ quy chế quản lý kiến trúc vẫn chưa cao (chỉ khoảng 20 - 30% trên tổng số đô thị thuộc địa bàn các địa phương quản lý). Công tác lập thiết kế đô thị theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 và Thông tư 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng còn hạn chế.
Ảnh minh họa
Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch - kiến trúc, năm 2022, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất, kiến nghị 6 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất là, hoàn thiện thể chế, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với các pháp luật có liên quan, trọng tâm là xây dựng các công cụ kiểm soát phát triển đô thị.
Thứ hai là, triển khai thực hiện Luật Kiến trúc, đảm bảo nâng cao công tác quản lý nhà nước về kiến trúc và tạo điều kiện phát triển hành nghề kiến trúc theo hướng hội nhập quốc tế; triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.
Thứ ba là, nghiên cứu, rà soát, bổ sung lý luận, phương pháp luận, hoàn thiện Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị.
Thứ tư là, tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát của cộng đồng và tổ chức.
Thứ năm là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân.
Thứ sáu là, tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch - kiến trúc tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo Vụ Quy hoạch - Kiến trúc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Đó là, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, lập hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch.
Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung nguồn lực hoàn thiện quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, ban hành trong năm 2022.