Kinh tế xanh

Cần thêm chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 31/8/2023 | 16:27 GMT+7
Mới đây, tại tọa đàm “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững”, đại diện Bộ Công Thương đã nhấn mạnh cần thiết phải thực hiện sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững trong phát triển nền kinh tế.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Sản xuất bền vững là con đường chiến lược để hướng tới phát triển bền vững, do đó việc nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Hiện nay, ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp cũng bước đầu nhận thức về vấn đề sản xuất bền vững, phân phối xanh.

Cần thiết phải thực hiện sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững trong phát triển nền kinh tế

Ông Cù Huy Quang thông tin thêm, thời gian qua, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh. Cụ thể, Bộ đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; mô hình thu gom, tái chế; mô hình tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, ngành nghề… Trong lĩnh vực tiêu dùng, Bộ đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng tại các siêu thị, chợ đầu mối…

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng chia sẻ nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững như: chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo; chi phí chuyển đổi lớn; nhận thức còn hạn chế… đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, công nghệ, môi trường (VITE), để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn cho một đơn vị thuần sản xuất, khai thác khoáng sản, VITE đưa ra các giải pháp dài hạn và ngắn hạn như: lập các đề án bảo vệ môi trường cho khai thác than trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh; phương án xử lý bãi thải mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2030; triển khai xử lý các sản phẩm sau quá trình khai thác gồm nước thải và đất, đá thải, phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác...

Về tiêu dùng xanh, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, xu hướng tiêu dùng xanh đã tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Trong đó, khung chính sách khuyến khích chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng bền vững hiện nay đã tạo động lực cho doanh nghiệp; định hướng, tạo động lực để doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi và hướng đến hành trình phát triển bền vững nhanh hơn.

Để phát triển kinh tế bền vững từ sản xuất, tiêu dùng xanh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng. Đặc biệt, cần chú trọng việc kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững hình thành liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu dùng các sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần xây dựng được những tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn; các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, xu hướng tiêu dùng trong và ngoài nước; lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp...

Mỹ Dung (T/H)