Khoa học công nghệ

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số

Thứ năm, 6/5/2021 | 10:51 GMT+7
Ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hoàn thành xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số trong tháng 8/2021.

Trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng chuyển đổi số, xu hướng phát triển nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số, một số nước đã nhận ra cơ hội để sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình. Làn sóng này cũng ảnh hưởng đến Việt Nam, khiến kinh tế số và xã hội số thời gian qua tăng trưởng nhanh, dù mới chỉ ở dạng tự phát.

Bộ TT&TT nhận định, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế số. Như hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; người Việt Nam thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, lao động chăm chỉ, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thời đại.

Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế số, xã hội số

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thị trường lớn, có nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới; dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng nên có lực lượng lao động lớn, đồng nghĩa với số người dùng internet, điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế gắn với công nghệ số.

Mặt khác, với lợi thế nằm ở trung tâm của Đông Nam Á và của châu Á, nước ta được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng sẽ là cú huých mạnh mẽ cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam sánh ngang cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, kinh tế số và xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài… Đặc biệt, chúng ta chưa có chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.

Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có chiến lược để định hướng, dẫn dắt của Chính phủ. Việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số làm căn cứ để huy động rộng rãi các nguồn lực của các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc là rất cần thiết.

Mỹ Dung