Sản phẩm, công nghệ

Phương pháp mới giúp biến túi nylon thành xăng

Thứ ba, 27/4/2021 | 15:36 GMT+7
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Delaware (Mỹ) đã sử dụng chất xúc tác đặc biệt và nung nóng nhựa ở mức 225 độ C để thu được xăng chạy cho xe ô tô con.

Dionisios Vlachos, kỹ sư hóa học tại Đại học Delaware, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, phương pháp này có thể chuyển đổi 85% vật liệu ban đầu thành dầu hữu ích. Ông ước lượng, khoảng 300 chai nước loại nửa lít có thể tạo ra khoảng 3,8 lít xăng, hai xe tải chai nhựa có thể tạo ra lượng xăng đủ đổ đầy bình cho xe con. 

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, phương pháp mới này hiệu quả nhất với loại nhựa mang tên polyolefin, dùng để tạo ra những sản phẩm thường không tái chế được như túi nylon. Nguyên lý cơ bản là nung nóng nhựa để phá vỡ các liên kết hóa học và phân giải chúng thành các thành phần cấu tạo. Điểm độc đáo trong nghiên cứu mới là nhóm nhà khoa học tìm ra cách thực hiện điều này với nhiệt độ thấp hơn nhiều, khiến quy trình trở nên hiệu quả về năng lượng và tiết kiệm hơn.

Túi nylon, rác thải nhựa đang được nghiên cứu để trở nên hữu dụng và thân thiện với môi trường hơn

"Đây là công nghệ đầu tiên có thể xử lý những loại nhựa khó nhất và tái chế thành thứ thực sự hữu ích. Đây là cách tốt nhất để tái chế các loại nhựa và bao bì dùng một lần như polyethylene và polypropylene", kỹ sư hóa học Dionisios Vlachos cho biết.

Việc dùng nhiệt phân giải nhựa được gọi là pyrolysis (nhiệt phân). Đa số các nghiên cứu trước đây áp dụng quy trình đòi hỏi mức nhiệt từ 400 - 800 độ C, nhưng với phương pháp mới của nhóm nghiên cứu tại Đại học Delaware chỉ cần 225 độ C và sẽ thu được loại nhiên liệu gần như có thể sử dụng luôn cho xe ô tô con, xe tải, máy bay và dầu bôi trơn.

Theo ông Dionisios Vlachos, phương pháp mới cũng bao gồm một chất xúc tác đặc biệt. Đây là hỗn hợp của zeolite (khoáng chất cấu tạo chủ yếu từ nhôm và silicon) và oxit kim loại gồm bạch kim và wolfram. "Nếu dùng riêng thì hai chất xúc tác này không hiệu quả. Khi kết hợp, chúng tạo nên điều thần kỳ, làm nóng chảy và không để lại chút nhựa nào", ông nói.

Tuy nhiên, ông Vlachos cũng cho biết, họ cần nghiên cứu thêm trước khi áp dụng phương pháp mới ở quy mô công nghiệp.

Theo vnexpress.net