Kinh tế xanh

Cho cam ăn trứng, cán bộ tài chính trình làng giống cam trứng lạ

Thứ năm, 7/11/2019 | 16:15 GMT+7
Mô hình trồng cam trên núi chỉ cho "ăn" trứng của anh Vũ Duy Tân đã cho thu hoạch những sản phẩm cam mới với hương vị rất riêng.

Trước khi đến với nghề trồng cam, anh Vũ Duy Tân từng có công việc ổn định tại Công ty bảo hiểm của Ngân hàng BIDV. Làm ở phòng đầu tư của công ty, anh được tiếp xúc với nhiều người, được xem nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. khi đó anh nhận ra đây là một thị trường giàu tiềm năng và vô cùng rộng mở.

Vũ Duy Tân giới thiệu sản phẩm cam trứng tại Lễ hội cây có múi tỉnh Hòa Bình năm 2019

Vậy là chàng trai quê ở Hưng Yên, lớn lên ở Điện Biên (do gia đình đi xây dựng kinh tế mới), làm việc ở Hà Nội ngành tài chính lại quyết định chọn thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa (Lạc Thủy, Hòa Bình) để mở trang trại trồng cam.

Về lý do chọn Hòa Bình làm nơi xây dựng trang trại, anh Tân cho biết: “Vì đất đai, khí hậu nơi đây hợp với cây cam, đây cũng là cửa ngõ Thủ đô sẽ tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm cũng như thuận tiện cho tôi về thăm vợ con”.

“Tôi bắt đầu mua đất trồng cam từ năm 2016, khi xây dựng trang trại, tôi đã xác định phải làm một trang trại xanh, không thuốc diệt cỏ, các loại cây trồng, vật nuôi cộng sinh với nhau cùng phát triển” – anh cho biết thêm.

Nghĩ là làm, anh Tân bắt tay vào dự án trồng cam với những hiểu biết mơ hồ về nông nghiệp, không nản lòng, anh tìm đọc các tài liệu trên mạng về chăm sóc cây ăn quả và thấy ở nhiều nơi mọi người cũng sử dụng trứng làm phân bón cho cây, bởi trong quả trứng có hàm lượng các chất đa, vi lượng lớn, có những chất chỉ trong quả trứng gà mới có. 

“Muốn sản phẩm tốt thì đầu vào phải tốt, bản thân con gà đã tạo ra một thực thể tuyệt vời, giàu chất dinh dưỡng, tại sao mình không biến nó thành thức ăn cho cam” – anh nói về ý tưởng của mình.

Ngày anh mua trứng về chất đống ở trang trại, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên, con đường chính trong trang trại suốt 500m chỉ toàn trứng là trứng. “Mọi người nghĩ là trứng hỏng nhưng không phải toàn là sản phẩm đạt chất lượng” – anh Tân hào hứng khoe.

 “Trứng mua về, tôi lấy lòng, trộn với các chế phẩm sinh học, đậu tương và cá, rồi ủ trong 6 tháng, sau đó đem tưới cho từng gốc cam”, anh tiết lộ: “Một cây cam phải ăn hết tầm 30 – 40 quả trứng mỗi vụ” và ngay trong năm đầu tiên đã thấy được sự khác biệt khi cây phát triển khỏe mạnh, xanh tốt.

Sau 2 năm trồng, đến năm 2018, trang trại cam rộng 20 ha với khoảng 9.000 cây của anh Tân đã bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 38 tấn với mức giá bình quân 35.000 đồng/kg. Ngay trong vụ thu hoạch đàu tiên, sản phẩm cam trong trang trại đã nhận được phản hồi tích cực của khách hàng khi vị của cam trứng ngọt thanh, màu vàng sẫm như lòng đỏ trứng gà, múi cam đưa vào miệng sẽ tan nhanh cùng hương vị hấp dẫn. “Khách hàng chỉ phàn nàn là giao số lượng quá ít và thời gian hơi lâu” – anh hóm hỉnh nói.

Anh quyết định đặt tên cho sản phẩm cam trong trang trại của mình là cam trứng, hiểu đơn giản là cam được bón bằng trứng. “Tôi muốn ngay cái tên của sản phẩm đã cho thấy rõ nguồn gốc, xuất xứ” – anh giải thích cho cái tên độc đáo này.

Sản phẩm cam trứng của anh Tân được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình

Không những thế, anh còn đăng ký sản phẩm của mình tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Hòa Bình, cam trứng của anh được dán tem QR code, chỉ cần quét điện thoại là có thể thấy rất rõ mọi thông số về quá trình canh tác, cách chăm sóc.

Năm 2019, sản lượng cam trong trang trại dự kiến đạt 80 tấn và khi các cây đi vào độ tuổi khai thác, sản lượng có thể lên đến 300 tấn. Dù vậy, anh Tân không có ý định tiếp tục mở rộng sản xuất ngay mà muốn dành thời gian chăm sóc 20 ha cam thật tốt để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tinh túy nhất.

Theo Danviet