Kinh tế xanh

Cô lao công tạo cơ hội việc làm từ giấy báo cũ

Thứ sáu, 25/10/2019 | 11:32 GMT+7
Ban ngày làm lao công cho một đơn vị nhà nước, ban đêm chị Bùi Ngọc Ánh Tuyết (Vĩnh Long) về nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm thủ công bằng giấy áo cũ để bán online và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 chị em.

Khởi nghiệp từ giấy báo cũ

Nhờ đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của chị Tuyết mà những tờ báo cũ hay đống giấy vụn lại trở thành những sản phẩm thủ công hữu ích. Các sản phẩm do chị làm ra không chỉ bán online trong nước mà còn chuẩn bị xuất khẩu. “Mỗi lúc đi quét dọn và gom nhiều giấy báo cũ, giấy vụn, mình thấy tiếc nên đan thành một số sản phẩm thô. Mới đầu chỉ làm cho vui thôi nhưng sau đó chị em thấy đẹp và đặt mình làm. Vậy là mình bén duyên luôn với nghề này”, chị Tuyết chia sẻ.

Chị Bùi Ngọc Ánh Tuyết là chủ dự án khởi nghiệp với các sản phẩm thủ công từ giấy, báo cũ

Chị Tuyết cho biết: "Sản phẩm thô mới đầu không được bền, dễ bị rách và thấm nước. Sau thời gian tìm hiểu chị đã phát hiện ra một loại sơn giúp sản phẩm của chị có màu sắc bắt mắt và không thấm nước, thậm chí có thể cọ rửa trong nước. Ngoài ra, chị còn áp dụng nhiều kiểu đan khác nhau và kết hợp với các nguyên liệu như da, nỉ, vải da... để tạo ra sự phong phú về mẫu mã cho sản phẩm cũng như chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm.

Trong tất cả các công đoạn, chị Tuyết đều làm bằng tay, phương pháp đơn giản nhưng cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ để đan các mảnh giấy báo thành một nan giấy dài và dai không thua kém các nguyên liệu khác như lác, lục bình, cói. Hiện tại, cửa hàng của chị có hơn 390 mẫu sản phẩm từ hàng gia dụng đến hàng trang trí như: miếng lót ly, chén, khay giấy, hoa, túi xách, tranh, chụp đèn, rổ, lọ hoa, búp bê… hay các sản phẩm lưu niệm như móc khóa, mô hình nhà, thác nước, vừa đẹp vừa rẻ lại rất bền. Trung bình mỗi tháng chị bán hơn 3.000 sản phẩm ra thị trường. Sắp tới, chị sẽ ký kết bán cho một đối tác bên Mỹ với số lượng lớn. “Đối tác bên Mỹ đã thống nhất các mẫu mã bên mình và tháng này sẽ ký kết hợp đồng chính thức. Mình sẽ tuyển thêm chị em công nhân như chị em nội trợ, sinh viên, các cô về hưu… Hiện nay, có hơn 200 chị em làm cho xưởng để tạo ra sản phẩm nhưng vẫn phải tuyển thêm để hoàn thành số lượng hàng lớn trong đợt này”, chị Tuyết cho biết.

Miếng lót ly chống thấm

Ngày làm lao công, đêm đan giấy

Để có quỹ thời gian nghiên cứu mẫu mã sản phẩm mới, chị Tuyết phải sắp xếp và tiết kiệm từng giây từng phút. Hiện tại, chị vẫn đảm nhiệm song song giữa việc làm lao công ở cơ quan và quản lý dự án khởi nghiệp. “Ý tưởng thì hình thành được hơn 3 năm nhưng chính thức bắt đầu là năm ngoái. Mình mới khởi nghiệp nên mình vẫn làm việc ở cơ quan cũ vào ban ngày. Ban đêm thì quản lý hàng hóa, sổ sách. Thời gian rảnh vào buổi trưa hoặc chiều thì tranh thủ đan. Tối thì mình nghiên cứu tài liệu. Ví dụ khi buồn ngủ thì 8 giờ tối đi ngủ và 1 giờ khuya thức dậy để suy nghĩ hướng làm và thực hành đan, lúc đó sẽ yên tĩnh và tập trung để sáng tạo hơn. Theo mình cái quan trọng là biết sắp xếp quỹ thời gian”, chị Tuyết bộc bạch.

Để có được những “bước đi” trong nghề sản xuất hàng thủ công như hôm nay, chị Tuyết đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm của chị khá thua kém với nhiều startup trẻ nhưng ý chí của chị đã đánh bại được khó khăn và các đối thủ khác. “Sản phẩm của mình bán ra nhiều người thấy và bắt chước theo, cách đan khá đơn giản nên dễ bị mất bản quyền. Khó khăn nữa là trình độ mình còn hạn chế, vì hoàn cảnh gia đình lúc trước khó khăn nên không được học lên cao, bây giờ trình độ tiếng Anh, tin học cũng phải đi học lại tất cả”, chị Tuyết chia sẻ.

Những chiếc đĩa giấy không thấm nước

Với điểm khác biệt là tạo ra sản phẩm thủ công từ giấy báo thân thiện với môi trường, hay những mô hình lưu niệm đặc trưng về di tích văn hoá của tỉnh Vĩnh Long và nhận thiết kế sản phẩm theo yêu cầu khách hàng, chị Tuyết mong muốn: “Mình muốn tạo nên sự khác biệt so với các shop kinh doanh cùng ngành và hy vọng shop của mình sẽ trở thành một cửa hàng chuyên cung cấp những sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của Vĩnh Long”.

Theo PNVN