Quốc tế

Chuyện bán con ở Afghanistan

Thứ hai, 18/10/2021 | 12:45 GMT+7
NLSVN - Khi cái nghèo đeo bán, khi khủng hoảng tăng nhanh và khi lượng lương thực dần cạn kiệt, dịch bệnh liên miên, hàng trăm gia đình đã rơi vào cảnh khốn cùng, nhiều gia đình tại Afghanistan phải bán con trả nợ.

Nhiều hộ gia đình, dù rất nỗ lực nhưng cũng chỉ kiếm được 7 cent (16.000 VNĐ) mỗi ngày

Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, dự trữ lương thực tại Afghanistan có thể giảm xuống mức thấp nguy hiểm. Chỉ trong 1 năm, tỉ lệ nghèo ở Afghanistan sẽ chạm ngưỡng 97% hoặc 98%, Giám đốc UNDP của châu Á-Thái Bình Dương Kanni Wignaraja cho biết.

Nhấn mạnh Afghanistan đang trong quá trình chuyển đổi mang tính “sống còn”,  Liên Hợp Quốc đã khẩn thiết kêu gọi các quốc gia bơm tiền trở lại cho nền kinh tế Afghanistan, khi mà 70% chi tiêu công của nước này phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, Afghanistan cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính do khoản dự trữ quốc tế của ngân hàng trung ương đang bị đóng băng tại các ngân hàng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, Taliban gần như không có cơ hội chạm tay vào khoản dự trữ này và nhiều khả năng khối tài sản đó sẽ bị đóng băng trong nhiều thập kỷ. Chưa kể, nhiều khoản hỗ trợ quốc tế cũng đang bị đình chỉ. Ảnh hưởng từ việc suy thoái kinh tế đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng ở quốc gia mà 1/3 dân số có thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Saleha cùng gia đình đã từng có công việc ổn định tại một nông trại ở Badgdis, nhưng sau đó họ đã phải rời đến nơi khác do hạn hán và giao tranh giữa Taliban và lực lượng chính phủ. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn khi giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản như dầu và bột mì tăng gấp đối kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Thu nhập bấp bênh, cùng với việc chồng bà không có công ăn việc làm, Saleha phải vay tiền để nuôi sống gia đình.

“Nếu cuộc sống tiếp tục như thế này, tôi sẽ phải tự tử cùng với các con. Tôi thậm chí không biết, chúng tôi sẽ ăn gì tối nay”, bà Saleha chia sẻ.  “Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để cứu con gái mình”, ông Abdul Wahab – chồng bà nói.

Còn chủ nợ Khalid Ahmad cho biết: “Tôi cũng không có tiền. Họ vẫn chưa trả tôi. Vì vậy tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mang con gái họ về để trừ nợ”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan đang gia tăng, ảnh hưởng đến ít nhất 18 triệu người, tương đương một nửa dân số nước này. Nhiều người phải đi nhặt chai lọ nhựa để tái chế hoặc bán để kiếm tiền.

“Trước việc các khoản dự trữ quốc tế bị đóng băng và viện trợ bị đình chỉ, nền kinh tế Afghanistan đang suy sụp. Nhiều ngân hàng đã phải đóng cửa và những dịch vụ thiết yếu như y tế đã phải tạm dừng hoạt động ở nhiều nơi”, ông Antonio Guterres nói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, việc bơm tiền để ngăn chặn nền kinh tế Afghanistan sụp đổ là vấn đề riêng biệt, không liên quan đến việc công nhận Talban là chính phủ hợp pháp, dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay khôi phục viện trợ quốc tế.  Tuy vậy, một quan chức Taliban cho biết, người dân Afghanistan sẽ phải tập thích nghi với tình huống khó khăn này trong “một vài tháng”./.

Mộc Mộc (Lược dịch)