Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Năm 2024, Báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, chỉ số PCI gốc – chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, thành phố Hải Phòng đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm. Các địa phương nhiều năm liền giữ vị trí cao như: Quảng Ninh (73,2 điểm), Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm) tiếp tục nằm trong Top đầu bảng xếp hạng. Các tỉnh, thành phố nằm trong Top 10 như: Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và Hưng Yên.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024
Theo VCCI, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì hai con số trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là một công cụ đo lường chất lượng điều hành mà còn là nền tảng quan trọng của chương trình tăng trưởng kinh tế cao.
PCI đóng vai trò như một “radar chính sách”, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.
Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân thì PCI sẽ tiếp tục trở thành nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá để hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, vươn tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
VCCI cũng công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) góp phần hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị môi trường tại các địa phương. Chỉ số PGI bao gồm 4 chỉ số thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có những biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh...
Kết quả PGI 2024: Hải Phòng giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng tổng thể nhờ thành tích vượt trội ở cả 4 chỉ số thành phần với tổng điểm đạt 29. Xếp sau lần lượt là Vĩnh Long (28,16 điểm), Hà Nam (28,04 điểm), Bắc Ninh (27,78 điểm) và Bình Dương (27,64 điểm).
Từ kết quả trên, các chuyên gia khuyến nghị chính sách: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đưa đất nước đến một ngã rẽ quan trọng. Những thành tựu nổi bật trong việc đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình có thể bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường và thiên tai ngày càng gia tăng.
Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản trị đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức này, đồng thời duy trì sự cân đối hợp lý giữa việc duy trì sự thuận lợi, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và việc kiểm soát các hoạt động làm gia tăng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, có nguy cơ cản trở phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn. Kết quả PGI năm nay cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch tích cực theo xu hướng này.