Kinh tế xanh

Thúc đẩy thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon

Thứ năm, 1/5/2025 | 10:00 GMT+7
Theo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2025, Việt Nam sẽ chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon phù hợp định hướng phát triển quốc gia, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đề án đặt ra mục tiêu vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6/2025.

Công bố về hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 31/3/2025 cho thấy, diện tích rừng hiện có 14.874.302ha, trong đó rừng tự nhiên 10.133.952ha, rừng trồng 4.740.350ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,03%. Hơn 14,8 triệu ha rừng có thể tạo ra 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon dôi dư, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế vừa bảo đảm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đó là ngoài giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản, thủy điện thì cần tạo nguồn thu từ các sản phẩm phi lâm sản như tín chỉ carbon.

Sản xuất tín chỉ carbon rừng chất lượng cao

Tổng lượng phát thải ròng của Việt Nam liên tục tăng qua các giai đoạn, năm 2000 là 150,9 triệu tấn CO₂, năm 2020 là 420,7 triệu tấn CO₂. Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, ước tính lượng phát thải ròng năm 2030 và 2050 là 927 triệu tấn và 1.500 triệu tấn. Như vậy, để đạt được mục tiêu Net Zero thì nhu cầu sản xuất và cung ứng, bù trừ tín chỉ carbon là khá lớn.

Tiềm năng tín chỉ carbon lớn từ rừng

Trong các ngành sản xuất hiện nay ở nước ta, lâm nghiệp là ngành duy nhất có lượng phát thải ròng âm, hấp thụ nhiều hơn phát thải. Giai đoạn 2025-2030 ước tính tổng lượng phát thải ròng của rừng khoảng 40 triệu tấn CO₂/năm. Tín chỉ carbon từ lâm nghiệp không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn có giá trị lớn trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, GS. TS Phạm Văn Điển cho rằng: “Cần thúc đẩy sản xuất tín chỉ carbon rừng có chất lượng cao như tín chỉ carbon xanh dương được tạo ra từ rừng ngập mặn, cỏ biển, đầm lầy, bãi triều. Rừng ngập mặn với diện tích khoảng 200.000ha, chứa khoảng 8,7 triệu tấn carbon, có thể hấp thụ 1,4 đến hơn 2,0 triệu tấn CO₂/năm. Hay tín chỉ carbon được tạo ra từ rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao và từ rừng có vai trò quan trọng đối với cộng đồng thì với diện tích hơn 10 triệu hecta có thể hấp thụ trên 30 triệu tấn CO₂/năm. Còn tín chỉ carbon rừng được gắn nhãn CCPs và logo của ICVCM thì hiện có khoảng 600.000ha, có thể hấp thụ khoảng 1,2 đến 2,0 triệu tấn CO₂/năm”.

Hoạt động kiểm kê rừng

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc với khoảng 21 triệu tấn carbon/năm, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Lý Xuân Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 450 nghìn ha rừng, độ che phủ hơn 65%, cung cấp khoảng 1 triệu mét khối gỗ rừng trồng/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 7,5%/năm, chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang ước tính, diện tích rừng có thể hấp thụ khoảng 4 triệu tấn CO2/năm, có tiềm năng huy động các nguồn tài chính thông qua mua bán, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài tín chỉ carbon rừng qua các hoạt động REDD+ (cơ chế quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tránh mất rừng và suy thoái rừng).

Tuy nhiên, đến nay hoạt động thương mại carbon rừng từ REDD+ của tỉnh chưa được thực hiện, mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon chưa cao do thiếu quy định chi tiết dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Đây là một trong năm loại dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp nhưng chưa có quy định chi tiết nên địa phương chưa có căn cứ thực hiện.

Tạo động lực kinh tế và huy động nguồn lực tài chính từ sàn giao dịch

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Lý Xuân Bình cho biết, với những vướng mắc đó nên các nỗ lực của tỉnh cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị sẵn sàng khi có đủ cơ sở pháp lý sẽ triển khai. Ông Bình kiến nghị các cấp thẩm quyền sớm có quy định cụ thể để địa phương có căn cứ thực hiện.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi đánh giá: “Việt Nam chưa có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng trong khi đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng carbon rừng. Cũng chưa có quy định về carbon rừng khi được xác nhận dưới dạng tín chỉ carbon là tài sản của rừng được đối xử ngang bằng như gỗ hay lâm sản ngoài gỗ”.

GS.TS Phạm Văn Điển cũng cho rằng, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về giao dịch tín chỉ carbon. Hiện chưa có quy định rõ ràng về cách thức hoạt động, định giá tín chỉ, và cơ chế giám sát.

Để phát triển thị trường carbon, một số chuyên gia cho rằng cần sớm bổ sung quy định carbon rừng là lâm sản và trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác. Và để xác định rõ về quyền carbon rừng, cần bổ sung quyền sử dụng carbon rừng nằm trong quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng rừng.

Về quy định chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, Chính phủ cần ban hành cơ chế cho phép trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, bán tín chỉ ra nước ngoài với nguyên tắc bảo đảm việc thực hiện mục tiêu, cam kết giảm phát thải của quốc gia.

Rừng Việt Nam có trữ lượng carbon lớn

Trước thực tế đó, TS. Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, để được cấp tín chỉ carbon rừng cần xây dựng và thực hiện dự án tín chỉ carbon, đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn carbon rừng do các hệ thống chứng nhận tín chỉ carbon quy định. Dự án phải chứng minh được giảm phát thải do tác động của dự án thông qua hệ thống đo đếm, báo cáo, thẩm định (MRV).

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang giao Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cùng với Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, xây dựng Tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam dưới dạng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) làm cơ sở cấp tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để các chủ rừng hoặc nhà đầu tư hiểu và xây dựng các dự án tín chỉ carbon rừng đạt yêu cầu của bộ tiêu chuẩn để được cấp tín chỉ carbon rừng.

Tới đây, các quy định về hạn ngạch giảm phát thải và việc yêu cầu các lĩnh vực, cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (2.166 cơ sở) cùng việc chuyển đổi mô hình, công nghệ sản xuất làm giảm lượng phát thải… sẽ thúc đẩy phát triển thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ thiết lập giá trị thực cho tín chỉ carbon; tạo động lực kinh tế, nhất là khi cho phép mua bán tín chỉ carbon như một tài sản có giá trị tài chính. Thị trường tín chỉ carbon khi đó không chỉ là công cụ môi trường mà còn là kênh huy động nguồn lực tài chính mới cho phát triển kinh tế xanh.

Theo báo Nhân Dân