Kinh tế xanh

Đẩy mạnh phát triển ngành Halal tại Việt Nam

Thứ năm, 30/6/2022 | 10:47 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp tổ chức Hội nghị Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal (ngành sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường các nước Hồi giáo) Việt Nam.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện và bền vững đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, thị trường Halal toàn cầu giàu tiềm năng, đang phát triển nhanh với nhiều lĩnh vực. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal, với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ, thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Phát triển ngành Halal tại Việt Nam

Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn. 

Trong đó, nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng. Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa tại thị trường này, cần tập trung vào đối thoại chính sách; hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến; trao đổi, cung cấp các thông tin thị hiếu, thị trường Halal… hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp…đã chỉ ra một số vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển thị trường Halal; chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal; khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal như: thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.

Ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những ý kiến đóng góp thực chất và tâm huyết của các diễn giả, đại biểu tham dự hội nghị. Ông khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, góp phần tạo thêm động lực mới cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam thời gian tới.

Lam An