Kinh tế xanh

Phú Yên: Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với sinh thái môi trường

Chủ nhật, 12/6/2022 | 11:13 GMT+7
Ngày 11/6, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về tình hình thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi làm việc, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên báo cáo: Phú Yên có đường bờ biển dài 189km với địa hình bờ biển đa đạng, có nhiều vùng, vịnh, đảo và cụm đảo gần bờ. Vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh có trên 34.000km, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 60.000 tấn với nhiều loại có giá trị. Ngành kinh tế thuần biển đã đóng góp từ khoảng 8 - 10% GRDP của tỉnh. Đến nay, khu vực ven biển Phú Yên đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460ha.

Phú Yên còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo, khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy sản gắn công nghiệp chế biến, phát triển giao thông, cảng biển, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, khu kinh tế Nam Phú Yên trải dài khoảng 50km đường bờ biển, quy mô diện tích hơn 21.000ha, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế để phát triển thành khu kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và cũng là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

Phú Yên phát triển tiềm năng du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng thủy sản để trở thành khu kinh tế ven biển trọng điểm

Tỉnh cũng đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; tổ chức thực hiện trên 11 nhiệm vụ, dự án về thiết lập bộ cơ sở dữ liệu vùng bờ, biển đảo; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng tỉnh trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, mở cửa thông thương với các vùng, tỉnh lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển liên tỉnh và liên vùng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập nhiều nội dung như: khó khăn trong việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh Phú Yên; hạn chế trong thực hiện liên kết phát triển vùng; cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ, thiếu nhiều thông tin cần thiết để phục vụ cho lập kế hoạch sử dụng không gian biển, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có của tỉnh Phú Yên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, báo cáo của Tỉnh ủy Phú Yên đã nêu rõ Phú Yên có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển hệ sinh thái biển nhưng thực tế vẫn còn chưa thực sự phát huy được hết các lợi thế. Bộ trưởng đề nghị Phú Yên cần xác định rõ “ba ranh giới, bốn khu vực” để định hướng không gian cho các quy hoạch, nhất là quy hoạch không gian biển.

Sau khi xây dựng được quy hoạch theo tiêu chuẩn, Phú Yên sẽ có cơ sở để phát triển hơn nữa về kết nối vùng để trở thành vùng kinh tế động lực, tập trung phát triển được các thế mạnh như năng lượng tái tạo, logistics, giao thông kết nối, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị tỉnh Phú Yên đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên thiên nhiên để gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị của tỉnh Phú Yên trong kịp thời bám sát mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết 36-NQ/TW và Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý, tỉnh Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển du lịch, cần phát triển hài hòa giữa phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Trong đó, cần nghiên cứu các mô hình kinh tế biển đã thành công trong nước để đưa ra định hướng phát triển cho khu kinh tế Nam Phú Yên; chủ động, năng động trong liên kết, khai thác tốt hơn liên kết vùng để phát huy lợi thế. Tỉnh cũng cần phân tích làm rõ thực tiễn, đưa ra quan điểm, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, khả thi, hiệu quả; tiếp tục quan tâm đến khía cạnh thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển; huy động, khai thác tốt các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên cần khai thác phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường để đảm bảo những giá trị của địa phương trong tất cả các lĩnh vực sẽ được phát huy, khai thác tốt.

Thanh Tâm (T/H)