Với chủ đề "Công cụ kinh tế trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 3.0", hội thảo gồm nhiều nội dung liên quan đến cơ hội, tác động của công cụ kinh tế trong việc thúc đẩy bảo vệ khí hậu, đa dạng sinh học.
Tại hội thảo, đại diện 27 dự án IKI tại Việt Nam đã tham dự, chia sẻ quan điểm về cơ hội mà các công cụ kinh tế đối với khí hậu và đa dạng sinh học mang lại. Cụ thể, các tham luận tập trung nhấn mạnh vai trò quan trọng của các công cụ kinh tế, không chỉ trong lộ trình giảm phát thải của quốc gia mà còn ở các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của các dự án IKI.
IKI là một phần quan trọng trong cam kết quốc tế về hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu của chính phủ Đức. Danh mục đầu tư của IKI tại Việt Nam hiện bao gồm 35 dự án song phương, khu vực và toàn cầu thuộc 4 lĩnh vực tài trợ: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi các bể chứa carbon tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/18/duc-voi-khi-hau-20240918115337142.png)
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mạng lưới các dự án IKI không chỉ tạo điều kiện để các bên chia sẻ kinh nghiệm, kết nối chặt chẽ với nhau mà còn là dịp để thiết lập sự hợp tác, đối thoại hiệu quả với các đối tác là cơ quan Bộ, ngành chủ trì, phối hợp thực hiện dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, mối quan tâm chính của việc thực hiện IKI trên toàn thế giới là đáp ứng bình đẳng giới hoặc chuyển đổi công bằng giới. Theo đó, các dự án IKI cam kết thành lập Cộng đồng thúc đẩy thực hành bình đẳng giới (CoP) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy học tập, tạo điều kiện hợp tác, nâng cao tầm nhìn và thúc đẩy sự phối hợp giữa các dự án trong phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi công bằng giới. Việc thành lập CoP là nền tảng thúc đẩy cập nhật kiến thức trong tương lai; chia sẻ bài học kinh nghiệm về thực hành bình đẳng giới giữa các dự án IKI tại Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực của quốc gia trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Vụ trưởng Vụ Quỹ môi trường quốc tế, Bộ Kinh tế và hành động khí hậu Liên bang Đức (BMWK) Philipp Behrens chia sẻ, NDC Việt Nam đặt ra một số yêu cầu tài chính cho từng biện pháp khí hậu và đã phác thảo ngắn gọn những hành động cần làm. Đây sẽ là cơ sở để các bên xây dựng thêm nhiều cơ chế đầu tư trong các NDC sắp tới.
Ông Philipp Behrens tin rằng, việc liên kết các chính sách, giải pháp với cơ chế đầu tư cụ thể có thể hướng dẫn đối tác quốc tế, nhà đầu tư tư nhân trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu. Vụ Quỹ môi trường quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực này.