Kinh tế xanh

Giảm chi phí không chính thức trong thủ tục hành chính cấp phép xây dựng

Thứ năm, 26/11/2020 | 11:24 GMT+7
Ngày 26/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo về Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép xây dựng. Trong đó có khoảng 25% doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng ít lao động, như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ hoặc Tây Nguyên. Những doanh nghiệp này cần nhiều hơn sự quan tâm và hỗ trợ về thông tin cũng như hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có thể là nguyên nhân gây ra trở ngại. Khoảng 52,8% doanh nghiệp cho biết cán bộ giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó 52,1% doanh nghiệp cho rằng sự phức tạp của quy định pháp luật cũng là một nguyên nhân gây phiền hà cho doanh nghiệp xây dựng. Một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp (28,3%) cho rằng cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng góp phần gây ra những khó khăn.

Toàn cảnh hội thảo Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trong lĩnh vực xây dựng, nhóm thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục hành chính cao (52%). Bên cạnh đó, quyết định chủ trương, đầu tư và thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng liên quan đến UBND cấp tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư cũng bộc lộ nhiều khó khăn.

Từ báo cáo nêu trên, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ FNF kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường và nâng cao chất lượng hồ sơ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như theo dõi tiến độ, giải quyết thủ tục và đánh giá công khai cán bộ giải quyết hồ sơ.

Đồng tình với quan điểm của Giám đốc Quỹ FNF, ông Đậu Anh Tuấn còn đặc biệt nhấn mạnh đến những đề xuất liên quan đến hỗ trợ thông tin, tính minh bạch, thời gian và chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Ông Đậu Anh Tuấn trình bày kết quả khảo sát và Báo cáo về thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng

Theo đó, Báo cáo do nhóm nghiên cứu của Ban Pháp chế VCCI công bố trong Hội thảo đã đưa ra một số định hướng cần tập trung cải thiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên ngành về xây dựng.

Cụ thể, để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần: tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực liên quan; xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính; nghiên cứu giảm thời gian thực hiện trên thực tế với các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy - chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, kết nối cấp điện, kết nối cấp nước, đăng ký đất đai – tài sản gắn liền với đất; nghiên cứu các cơ chế xã hội hóa một số khâu trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính trong các dự án đầu tư xây dựng.

Về hỗ trợ thông tin, hướng dẫn về thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc thực hiện xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời phối hợp liên ngành để xây dựng các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý và minh họa các tình huống mà doanh nghiệp hay gặp phải và giải pháp cụ thể.

Đối với giảm thiểu chi phí không chính thức, Báo cáo đề xuất thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ như Chỉ thị số 10/CT-TTg và Nghị quyết 139/NQ-CP. Phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế việc nhũng nhiễu, gây phiền hà khi doanh nghiệp phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.

Để tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ, các ban ngành cần tăng cường và nâng cao chất lượng ứng dụng thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như trong việc theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục và đánh giá công khai các cán bộ xử lý hồ sơ.

Thanh Tâm