Giám sát chặt đào tạo lái xe

Thứ bảy, 22/6/2019 | 16:01 GMT+7
Bộ Giao thông Vận tải sẽ bổ sung thêm một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch như thiết bị mô phỏng, thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, giám sát quãng đường và thời gian học thực hành của học viên.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN),  cho biết Tổng cục đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX xe cơ giới đường bộ. Theo đó, trong thời gian tới sẽ quy định tất cả các trung tâm bắt buộc phải đầu tư camera để kiểm tra, giám sát các phần thi và truyền dữ liệu về thẳng Tổng cục Đường bộ VN. Đồng thời, các trung tâm phải nghiên cứu lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các xe sát hạch để minh bạch số km thực tế của học viên, tránh việc “cắt xén” giờ thực hành trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô. Tất cả thí sinh thi trượt lý thuyết hay thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho thi lại để học viên có thời gian ôn luyện.

“Ngoài ra, câu hỏi lý thuyết sẽ tăng lên 600 câu (trước đây là 450 câu). Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi, nếu đề có 35 câu mà làm đúng 35 câu nhưng có 1 câu trong 100 câu điểm liệt thì vẫn trượt và sẽ hủy kết quả lý thuyết. Câu hỏi lý thuyết sẽ bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, sân sát hạch lý thuyết truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT các tỉnh để theo dõi. Việc này góp phần hạn chế hiện tượng can thiệp của giáo viên, cán bộ sát hạch trong thi cử”, ông Thống thông tin.

Việc đào tạo, sát hạch lái xe sẽ được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ giấy phép lái xe giả, khai báo mất để được cấp lại GPLX.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ cũng triển khai bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, lắp đặt thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình; bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái.

“Nghị định 138/2018 của Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị tập lái này. Hiện, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trình Bộ phê duyệt. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/6/2020, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư ‘cabin cầm lái’ để phục vụ công tác đào tạo,” ông Thống nói.

Đề cập đến việc thời gian học thực hành lái xe ôtô cấp bằng B1, B2 quy định 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên hiện không có công cụ để giám sát, ông Thống cho rằng, khi có thiết bị giám sát GPS lắp trên xe tập lái, chắc chắn thời gian, số kilomet của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học, khi đó các trung tâm đào tạo sẽ phải tính phí đào tạo theo thực tế.

“Khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục và các Sở Giao thông Vận tải và để hậu kiểm. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trung tâm sẽ phải đầu tư. Đến thời hạn quy định nếu trung tâm nào không chấp hành sẽ xem xét dừng đào tạo hoặc rút giấy phép đào tạo, sát hạch theo Nghị định 46/2016,” ông Thống nhấn mạnh./.

Tuấn Kiệt