Tọa đàm do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu về Nguồn phát thải (3SIP2C) do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) của Chính phủ Anh tài trợ, được thực hiện bởi Đại học Heriot Watt (Anh).
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE cho biết, nhận thức được vấn đề và tác hại của rác thải nhựa, đặc biệt đối với hệ sinh thái biển và cộng đồng dân cư ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cùng tổ chức quốc tế… xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm mục tiêu thực hiện sáng kiến, cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, đảm bảo ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy của cộng đồng…
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/17/o-nhiem-nhua-2-20241017110150253.jpg)
Nhiều khu vực ven biển Việt Nam đang đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, hiện có nhiều dự án về giảm thiểu rác thải nhựa nhưng dự án 3SIP2C là một trong số ít dự án được thực hiện với sự tham gia của cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng, kinh tế và chính sách, quản lý. Vì vậy, nhân dịp này, ông mong các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn về các vấn đề liên quan đến giảm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa trên biển nói riêng.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi trong việc giải quyết các thách thức để giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu chính sách về loại bỏ ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
GS. Michel Kaiser, Đại học Heriot Watt đã trình bày về dự án Nghiên cứu nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển Việt Nam. Trong đó, ông đề cập đến mục tiêu tìm hiểu nguồn gốc, nơi chứa rác thải nhựa, đánh giá tác động của rác thải nhựa đối với xã hội dân sự và các doanh nghiệp ven biển cũng như sức khỏe, sự an toàn của con người.
GS. Michel Kaiser cho biết, chất thải nhựa được xác định có tác động tiêu cực đến cộng đồng ven biển, đặc biệt là tàu đánh cá. Gió mùa, bão biển tác động đến sự phân bố nhựa; mùa khô dẫn đến sự di chuyển nhanh của nhựa về phía Nam. Nồng độ vi nhựa (MIP) trung bình được xác định cao hơn vào mùa khô, trong đó các loại MIP dạng sợi chiếm ưu thế. Thủy triều ảnh hưởng đến mật độ nhựa ở cửa sông, trong đó polyethylene và nilon là những loại nhựa chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cộng đồng ven biển chưa nhận thức rõ ràng được vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa nên vẫn còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện phương án bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm.
Theo ông Michel Kaiser, Việt Nam có thể quản lý rác thải hiệu quả, phát triển mô hình vận chuyển hạt nhựa để hiểu các con đường vận chuyển từ cửa sông dọc theo bờ biển và cách chúng thay đổi theo mùa. Chính phủ cần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp có liên quan để định lượng quy mô và rủi ro kinh tế của nhựa ở vùng ven biển, từ đó đưa ra lệnh cấm nhựa dùng một lần trong cộng đồng địa phương để thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững…
Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiến nghị, để phát huy tính chủ động trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, các ban, ngành cần thực hiện đánh giá tổng thể về thực trạng ô nhiễm nhựa nói chung và ô nhiễm nhựa đại dương ở Việt Nam, qua việc xác định một số vấn đề chính cần giải quyết như điểm nóng ô nhiễm, hoạt động làm sạch, quản lý vòng đời của nhựa.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng (xây dựng các mô hình đô thị giảm nhựa, đặc biệt là đô thị sát biển, du lịch biển, trường học không rác thải nhựa); tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ thông qua điều tra khảo sát, quan trắc, giám sát, phát triển nhựa thân thiện với môi trường, nhựa thay thế, tái chế, huy động các nguồn tài chính để thực hiện…