Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Theo đó, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Nghị định số 135 được ban hành đã đáp ứng được sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp ngành điện trong và ngoài nước; từng bước đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của người dân, cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Việc sớm đưa Nghị định vào cuộc sống sẽ giúp Việt Nam huy động được thêm các nguồn lực xã hội, các nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.
Để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, góp phần thiết thực trong việc triển khai Nghị định số 135, Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp TPHCM tổ chức khoa học hội thảo giới thiệu “Các công nghệ biến tần trong điện mặt trời mái nhà”.
Ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội tại TPHCM cho biết: Ban tổ chức hội thảo mong muốn được giới thiệu, phân tích các công nghệ biến tần điện mặt trời đến các Sở, ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư về năng lượng tái tạo và các nhà nghiên cứu khoa học có nhu cầu.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/20/hoi-thao-2-20241222140238605.jpg)
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thượng Quân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM cho biết, hệ thống điện mặt trời bao gồm các tấm quang điện được kết nối với nhau. Điện sản sinh từ tấm quang điện là điện 1 chiều (DC), chưa sử dụng được, cần qua hệ thống biến tần (inverter) để chuyển đổi ra điện AC. Có thể nói “trái tim” của hệ thống là bộ biến tần. Đây là thiết bị điện tử phức tạp và có nhiều công nghệ khác nhau.
Ông Nguyễn Thượng Quân đã nêu 2 đặc điểm phát điện của tấm quang điện. Một là, khi cường độ nắn thay đổi công suất tấm quang điện sẽ thay đổi, trong đó thành phần dòng điện (I) mới thay đổi tương ứng còn điện áp trên tấm quang điện không thay đổi nhiều. Một ví dụ dễ nhận thấy điều này nhất là giữa trưa nắng, điện áp 2 đầu tấm quang điện giả sử là 45Vdc thì khi nắng yếu, điện áp cũng chỉ thấp hơn vài Vôn. Thứ hai, nhiệt độ môi trường càng nóng thì hiệu suất phát điện của tấm quang điện càng kém.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/20/hoi-thao-1-20241222140234011.jpg)
Các đại biểu tham dự hội thảo
Theo ông Quân, có 3 công nghệ biến tần đang được sử dụng trên thế giới là biến tần chuỗi (string inverter), biến tấn phân tán (micro inverter) và biến tần Optimizer. Ông đã thông tin, phân tích cụ thể ưu điểm cũng như nhược điểm của từng loại biến tần nhằm góp phần giúp người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư về năng lượng tái tạo… lựa chọn được công nghệ phù hợp với nhu cầu của từng dự án.