Trong nước

Giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề, thủ công mỹ nghệ vùng miền

Thứ tư, 26/10/2022 | 15:45 GMT+7
Ngày 25/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18, cùng Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 dự kiến diễn ra từ ngày 2 - 6/11 tại khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hội chợ sẽ bao gồm 150 gian hàng, trưng bày nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.

Phát biểu tại họp báo giới thiệu hội chợ, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ và hội thi là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi 7 hoạt động của sự kiện “Festival làng nghề Việt Nam năm 2022”. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022 nhằm triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Sự kiện nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi; giới thiệu, quảng bá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương với các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại. Đồng thời tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường...

Họp báo giới thiệu Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022

Tính đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức đã nhận được đăng ký tham gia của trên 100 đơn vị, doanh nghiệp với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước. Các sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ.

Để thuận tiện cho khách tham quan và giao dịch, gian hàng hội chợ được phân chia thành 3 khu vực riêng biệt. Bao gồm, gian hàng triển lãm chung, có diện tích 200m2, được bố trí tại khu vực trung tâm hội chợ với thiết kế, trang trí đặc biệt nhằm trưng bày, tôn vinh các làng nghề truyền thống như: mỹ nghệ kim hoàn (vàng, bạc, đồng, khảm tam khí); gốm sứ, pha lê thủy tinh; điêu khắc chạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa; trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu đoạt giải tại các hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; trưng bày, tôn vinh các sản phẩm OCOP cấp quốc gia tiêu biểu được đánh giá 4 sao, 5 sao.

900m2 sàn trưng bày được phân chia thành 6 phân khu, gắn theo phân vùng kinh tế - xã hội gồm: vùng trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi phân khu sẽ bố trí khu vực gian hàng riêng để các địa phương, tổ chức, đơn vị trực tiếp trưng bày và giới thiệu sản phẩm; xây dựng không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm, văn hóa địa phương, trải nghiệm thử sản phẩm, đặc sản vùng miền.

Khu thao diễn nghề và biểu diễn nghệ thuật có quy mô 100m2, được trang trí đặc biệt với các hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Ban tổ chức phối hợp với các địa phương, tổ chức, hiệp hội sẽ mời một số nghệ nhân tiêu biểu thao diễn tại chỗ một số nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ, thêu, dệt lụa, nón lá, gốm, nghề đồng….

Về Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin: Để tiếp tục động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan tỏa các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, ngay từ tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động hội thi đến các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế, tổ chức, cá nhân, hiệp hội và cơ quan quản lý ở các địa phương.

Để nâng cao chất lượng, sự công bằng và uy tín của Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, ban tổ chức đã mời những người có trình độ, uy tín và kinh nghiệm trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình khác nhau tham gia ban giám khảo. Hiện tại, ban giám khảo đang tổ chức chấm các sản phẩm dự thi và dự kiến lễ trao giải hội thi diễn ra vào ngày 2/11.

Ngọc Huyền