Trong nước

“Chuyển mình” liên kết vùng để tăng tốc phát triển

Thứ ba, 25/10/2022 | 15:10 GMT+7
Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã đang đòi hỏi sự “chuyển mình” về mặt liên kết vùng. Nhân Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã” với sự đồng hành Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VnBusiness ghi nhận một số đánh giá quan trọng có liên quan đến chủ đề thiết thực này.

Khi bàn về liên kết vùng để giúp tăng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh đến một số định hướng phát triển các cụm liên kết ngành. 

Định hướng cụm liên kết ngành, tăng sức chống chịu của nền kinh tế

Từ việc đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ở một số quốc gia phát triển, TS. Minh cho rằng Việt Nam cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn. Nhất là tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.

Cũng theo TS. Minh, cần cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.

Về các mô hình mới góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, TS. Minh đề cập 2 vấn đề. Thứ nhất là gia tăng ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới. 

Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm sớm bắt nhịp phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Theo đó, việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phải hướng tới tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài.

Huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng

Còn đứng ở góc độ của một chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh đến việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng. 

Đơn cử như trong vấn đề hạ tầng giao thông. TS. Lực dẫn thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là trong giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam cần khoảng 2 triệu tỷ đồng đầu tư vào hệ thống giao thông. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giao thông đường bộ vào khoảng 900.000 tỷ đồng (48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành).

TS. Lực cũng dẫn thông từ Bộ GTVT, đó là số vốn đầu tư công dành cho Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 304.000 tỷ đồng (9% tổng vốn đầu tư công của cả nước giai đoạn 2021 - 2025). Số vốn được phân bổ này mới đáp ứng được gần 60% nhu cầu. 

Cho nên, theo TS. Lực, bài toán huy động vốn khác là rất cấp thiết. Trong khi đó, vốn tín dụng (đến từ ngân hàng thương mại) cho hạ tầng giao thông chủ yếu nằm ở các dự án BT, BOT. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT đang giảm dần. Tính đến tháng 6/2022, dư nợ các dự án BT, BOT giảm 1,72% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, vốn từ thị trường cũng có xu hướng giảm sau khi tăng trưởng nóng vào năm 2021. Còn vốn từ các tổ chức quốc tế, theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, phần vốn nước ngoài (31.267 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư công được phân bổ) dự kiến được phân bổ cho 19 dự án ODA ngành giao thông, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020.

Vì thế, theo TS. Lực, một số vấn đề đặt ra là cần giải bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng là rất cần quan tâm giải quyết. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA. Có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với cả ngân hàng thương mại tham gia cho vay. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong những dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu. Nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao. Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp…

“Chuyển mình” liên kết vùng để tăng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã

Xây dựng các vùng nguyên liệu

Riêng trong lĩnh vực nông sản. Xét về việc xây dựng vùng nguyên liệu, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), điều quan trọng là cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững).

Hơn nữa, vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn…

Ngoài ra, đó còn là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững.

Cho nên, mục tiêu đặt ra là cần hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha. Phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh. Thứ nhất là Sơn La, Hòa Bình: vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000 ha. Thứ hai là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…): 22.900 ha. 

Thứ ba là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông: vùng cà phê Tây Nguyên: 19.700 ha. Thứ tư là An Giang, Kiên Giang: vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên: 50.000 ha. Thứ năm là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang: vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười: 60.200 ha.

Bên cạnh đó, theo ông Toản, mục tiêu là phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân sản xuất nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5 - 10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và gia tăng giá trị từ 10 - 20%.

Đẩy mạnh và mở rộng tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Còn đứng ở góc độ của ngành công thương, ông Dương Thái Trung, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ rõ tình trạng nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng; tập quán, thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng (thích đồ tươi sống, mua bán linh hoạt, giá bán cạnh tranh hơn…); thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường kịp thời về sản lượng và giá bán; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường.

Hơn nữa, cơ chế chưa hấp dẫn nên khó thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản; đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp trong tổng đầu tư của xã hội.

Chính vì thế, theo ông Trung, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online. 

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng. Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì đây là nguồn lực để phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, ông Trung khuyến nghị các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

PV