Trong nước

Hà Nội: Đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng nông sản sạch, chất lượng cho người dân

Thứ hai, 16/5/2022 | 08:52 GMT+7
Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị để đưa nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đến với người dân Thủ đô, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mỗi tháng Hà Nội cần tiêu thụ 92.970 tấn gạo (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn); 18.594 tấn thịt lợn hơi (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn); 5.350 tấn thịt bò (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn); 6.198 tấn thịt gia cầm (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn). Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu tiêu dùng hơn 5.000 tấn thủy, hải sản; 5.165 tấn thực phẩm chế biến (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn); 103.300 tấn rau, củ (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn); 52.000 tấn trái cây (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn)…

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn hàng từ các tỉnh, thành phố. Nhiều sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang web thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng nông sản sạch, chất lượng cho người dân

Tính đến nay, Hà Nội đã hợp tác với 1.130 cơ sở của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc và 23 tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam. Mỗi tháng cung cấp hơn 92.600 tấn rau, củ, quả; gần 13.200 tấn thịt gia súc, gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11.300 tấn thủy sản; hơn 232.500 tấn gạo, lương thực, nông sản khác... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Các mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết, công ty ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều địa phương và đã xây dựng được 1.000 điểm bán các mặt hàng nông sản sạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Năm 2022, sẽ mở thêm khoảng 1.000 điểm bán nông sản của Vinanutrifood, nông sản OCOP của các địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và cả nước.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen (quận Thanh Xuân) cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm số lượng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm sạch cho Hà Nội; có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đưa nông sản sạch đến với người dân Thủ đô, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai việc bảo đảm an toàn thực phẩm; trong đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật, kiến thức thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm; đồng thời, triển khai hiệu quả đề án Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ sản phẩm thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ...

Về phía các tỉnh, thành phố, cần rà soát các chuỗi nông, lâm, thủy sản hiện có, lựa chọn nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội.

Theo hanoimoi.com