Trong nước

Iceland mong muốn chia sẻ kinh nghiệm khai thác năng lượng địa nhiệt với Việt Nam

Thứ ba, 25/6/2024 | 14:51 GMT+7
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại sứ Iceland tại Việt Nam Thorir Ibsen đề cập đến thế mạnh về phát triển năng lượng địa nhiệt của Iceland và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này cho Việt Nam.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tiếp và làm việc với ông Thorir Ibsen, nhân dịp ông trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Tô Lâm nhận nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Iceland tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 50 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Iceland thiết lập quan hệ ngoại giao. Thứ trưởng cũng khẳng định luôn coi trọng, khuyến khích và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Iceland đầu tư kinh doanh tại Việt Nam - một địa điểm chiến lược trong việc mở rộng hoạt động và hợp tác kinh tế với ASEAN cũng như khu vực Đông Á. Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn phía bạn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển thị trường sang Iceland.

Iceland có thế mạnh về phát triển năng lượng địa nhiệt

Ông Thorir Ibsen cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước, khai thác và tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của hai bên, đặc biệt là các giải pháp nhằm phát triển thương mại song phương giữa hai nước. Đại sứ Iceland cũng đề cập đến thế mạnh về phát triển năng lượng địa nhiệt của Iceland và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này cho Việt Nam. Hiện Iceland cung cấp sản lượng năng lượng địa nhiệt chiếm 40% thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh Đại sứ đã thông tin về kinh nghiệm khai thác năng lượng sạch – năng lượng địa nhiệt ở Iceland và cho biết Việt Nam mong muốn nghiên cứu, học hỏi vấn đề này từ phía bạn để có thể tiến xa hơn trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và thực thi các cam kết về giảm phát thải tại Hội nghị COP26.

Hai bên cũng nhất trí trong việc thúc đẩy, hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein.

Nhã Quyên (t/h)