Trong nước

Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 14/3/2022 | 15:04 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2022.

Nghị quyết nêu: tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; các địa phương đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022. Đến nay, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,4%, mũi 3 là 37,4%; thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 93,5%; nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp…

Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro, trong đó có ảnh hưởng của xung đột chính trị, quân sự trên thế giới. Dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh; công tác triển khai thực hiện phòng, chống dịch tại một số địa phương vẫn là khâu yếu; năng lực y tế cơ sở, trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế, gây ra thiếu hụt lao động tạm thời. Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước. Còn tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới.

Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics… 

Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; chậm phục hồi kinh tế có thể xảy ra nếu không quyết liệt, tập trung thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. 

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện

Rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.

Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan xử lý kịp thời tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại cửa khẩu biên giới đất liền; tham mưu đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài. Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu, lưu ý các thị trường nhập siêu lớn.  

Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 2 năm 2022 - 2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đề xuất của các Bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.

Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022...

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình, duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm A: cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Cầu Đại Ngãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2022.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trong tháng 3 năm 2022...

Đức Dũng