Quy hoạch, xây dựng

Khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Thứ sáu, 2/9/2022 | 23:08 GMT+7
Tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa dự lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80km. Công trình giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ đồng hồ, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng.

Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 418 ngày 9/12/2018. Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hợp đồng BOT thành 2 dự án độc lập với chiều dài toàn tuyến 80,23 km, có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, tổng mức đầu tư của dự án trên 14.000 tỉ đồng.

Trong đó, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng chiều dài 16,08 km, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng mức đầu tư 3.658 tỉ đồng. Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, tổng chiều dài 63,25 km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỉ đồng. Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn để thực hiện đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là 1.455 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài là 176km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176km/1046km). Quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm vừa xây dựng đề xuất); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo quy định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư).

Các vấn đề kỹ thuật khác như vấn đề độ cao cầu, tĩnh không thông thủy cầu cũng mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi; vấn đề khai thác của nhà đầu tư thế nào khi địa phương cùng đầu tư; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vấn đề thu phí, sụt lún.

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất và Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật... để rồi ngày hôm nay chúng ta khánh thành và thông xe toàn tuyến kết nối 3 cửa khẩu quốc tế lớn nhất khu vực miền Bắc từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn (3 cửa khẩu: Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến cao tốc

Tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam (tổng cộng 571,5km gồm: Hà Nội - Lào Cai 265km; Hà Nội - Hải Phòng 105,5km; Hải Phòng - Hạ Long 25 km; Hạ Long - Móng Cái 176km). Đây là tuyến cao tốc liên vùng dài nhất, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng có những ý nghĩa quan trọng như: thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông. Tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương. Lấy nguồn vốn nhà nước làm vốn mồi, dẫn dắt các nguồn vốn khác. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nơi có đường cao tốc đi qua.

Phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua; tái cơ cấu đầu tư công. Góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, nhân viên liên quan đến công trình, dự án đường bộ cao tốc và của UBND tỉnh Quảng Ninh - cơ quan nhà nước có thẩm quyền; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân nơi có đường cao tốc đi qua. Góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế ở khu vực biên giới. Kết nối vùng trong ba cực tăng trưởng, phá thế độc đạo của tỉnh Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng thì tự nó sẽ phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đầu tư, thiết kế, giám sát, nhà thầu, có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia xây dựng đường cao tốc.

Về công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để nghiệm thu quản lý tuyến cao tốc 176km theo quy định của pháp luật. Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để vận dụng hiệu quả, tránh thất thoát. Các địa phương phải tiếp tục phối hợp với nhau.

Về cảnh quan - kiến trúc, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một trong những tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất cả nước với 35 cây cầu trên tuyến chính, tương đương tổng chiều dài hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài toàn tuyến). Trong đó, mỗi cây cầu đều được chú trọng đầu tư về kiến trúc, thẩm mỹ để tạo ra những cung đường có cảnh quan đẹp; vừa bảo đảm tính thẩm mỹ vừa giữ nguyên hiện trạng môi trường sinh thái, môi trường xung quanh. Nổi bật nhất phải kể đến cầu Vân Tiên dài hơn 1,5km, rộng 25,5m. Đây là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh được xây dựng nơi cảnh quan biển trời hùng vĩ, lập kỷ lục mới về thi công cầu vượt biển trong thời gian 330 ngày đêm.

Nhật Linh (t/h)