Khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện đợt triều cường mới

Thứ sáu, 4/10/2024 | 15:20 GMT+7
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện đợt triều cường mới, gây kéo dài tình trạng ngập úng trong khu vực.

Cụ thể, do ảnh hưởng của đợt triều cường mới, ngày 5 - 6/10, mực nước tại trạm Tân Châu lên mức 3,4m (dưới báo động 1 là 0,1m), tại trạm Châu Đốc lên mức 3,2m (trên báo động 1 là 0,2m) sau đó biến đổi chậm.

Mặc dù đợt triều cường ít có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và ngoài đê bao nhưng nó sẽ làm chậm quá trình thoát lũ trên sông Cửu Long, trong khi mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Tình trạng này sẽ khiến mực nước trong khu vực bị ứ đọng, kéo dài tình trạng ngập úng.

Ảnh minh họa

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ tháng 10/2024 đến tháng 1/2025, khu vực Đông Nam Bộ có khả năng xảy ra 6 đợt triều cường. Đợt 1 từ ngày 17 - 21/10; đợt 2 từ ngày 2 - 5/11, đợt 3 từ ngày 15 - 19/11, đợt 4 từ ngày 1 - 6/12, đợt 5 từ ngày 13 - 17/12, đợt 6 từ ngày 29/12 - 4/1/2025. Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu trong giai đoạn này có thể đạt 4,3m trong khoảng thời gian từ 14 - 16 giờ ngày 17/11, các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Bạc Liêu nhận định, từ đầu tháng 10 đến tháng 12/2024, vùng ven biển khu vực tỉnh Bạc Liêu sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường. Do đó, cơ quan cảnh báo nguy cơ ngập úng ở nhiều vùng trũng, thấp như dọc quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai...); một số tuyến đường thuộc thành phố Bạc Liêu trong thời gian qua xuất hiện triều cường.

Tại Kiên Giang, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, mực nước các trạm đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 9 đến tháng 10/2024 chuyển sang chế độ mùa lũ, trong giai đoạn này mực nước cao nhất ngày sẽ lên nhanh. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào giữa tháng 10. Tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng.

Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cũng cảnh báo, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, mực nước cao nhất trên sông Hậu và các kênh rạch trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi triều cường kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về. Mực nước đỉnh triều cao nhất ngày trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ báo động 3 và cao hơn báo động 3 (2m) từ 20 - 30cm. Trong các đợt triều cường, mực nước lên cao gây ngập úng diện rộng tại các tuyến đường trũng thấp, ven sông của nội ô thành phố.

Trong khi đó, ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lớn ở thượng nguồn sông Mê Kông và bão số 4 gây mưa lớn ở vùng Trung Lào đã khiến nước đổ về hạ nguồn sông Mê Kông tiếp tục gia tăng. Khi nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với các đợt triều cường sẽ gây ngập cho dãy đô thị phía Đông từ quốc lộ 1 ra biển, gồm Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy (Hậu Giang).

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường lớn gây ngập úng trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng, triển khai việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát khu dân cư ven biển, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai những biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho chủ phương tiện vận tải thủy về ngập úng để chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Bảo Ngọc (T/H)