Khuyến khích ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm

Thứ ba, 7/1/2025 | 16:55 GMT+7
Theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghệ GeoAI được khuyến khích áp dụng trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm. Theo thông tư, công nghệ GeoAI là công nghệ ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu địa chất.

Công nghệ này được khuyến khích áp dụng trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm. Yêu cầu chung về việc ứng dụng công nghệ GeoAI: nhân AI phải đảm bảo tính bảo mật về tài liệu nguyên thủy; thông tin dữ liệu đầu vào gồm cấu trúc địa chất, thông tin về địa chất, mặt cắt địa chất, số liệu địa hóa, địa vật lý, các công trình khoan, các điểm mỏ khoáng sản, địa chất thủy văn, môi trường và các dữ liệu liên quan khác (nếu cần thiết); kết quả ứng dụng công nghệ GeoAI cần được đánh giá mức độ tin cậy.

Ảnh minh họa

Lộ trình khảo sát thực địa theo tuyến kết hợp với đo gamma mặt đất, phổ gamma mặt đất tại các khu vực có triển vọng đất hiếm đã được lựa chọn; đo gamma công trình, gamma mẫu lõi khoan và địa vật lý lỗ khoan nhằm khoanh định quy mô, kích thước các thân quặng đất hiếm trong các công trình khai đào, vị trí thân quặng trong lỗ khoan, xác định các vị trí lấy mẫu phân tích.

Khai đào công trình (vết lộ, hố, hào, giếng), khoan; lấy mẫu tại các công trình khai đào, khoan để phân tích, xác định hàm lượng đất hiếm; lấy và phân tích mẫu kỹ thuật; xác định đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình của các loại đá trong khu vực đánh giá khoáng sản đất hiếm; tổng hợp các tài liệu, kết quả phân tích để khoanh định diện phân bố của đất hiếm đủ điều kiện tính tài nguyên; khoanh định các khu vực đủ điều kiện chuyển sang thăm dò; công tác địa chất môi trường…

Hải Long