Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 chương, 117 điều, chỉnh lý 72 điều so với dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 7. Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, lắng nghe nghiêm túc các ý kiến.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng do đó cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm đối với 2 nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Đối với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản
Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Đặc biệt, khi xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải cập nhật đầy đủ tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ vững chắc về sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội cụ thể hóa thành văn bản luật; Chính phủ và các Bộ, ngành có những nghị định, thông tư hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những vấn đề nào “đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh” thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật. Đồng thời, thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng liệu có các nhóm lợi ích trong xây dựng dự thảo Luật hay không.
Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật quy định khoáng sản nhóm IV bao gồm: các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ. Đây là những khoáng sản có công nghệ khai thác đơn giản, nhu cầu sử dụng có tính thời điểm, đặc biệt là phục vụ những công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp. Do đó, cần có quy trình cho phép khai thác đơn giản, rút gọn thông qua thủ tục đăng ký.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định về đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV là nội dung mới về cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính so với quy định pháp luật hiện hành về khoáng sản trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án, công trình giao thông, xây dựng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nếu thực hiện không tốt có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, lợi dụng “dùng cho công trình quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều”, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần kiểm soát hoạt động khai thác chặt chẽ hơn, tuân thủ quy hoạch; kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng khoáng sản.