Kinh tế xanh

Kiểm kê khí nhà kính hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ tư, 26/6/2024 | 11:02 GMT+7
Ngày 25/6, trong khuôn khổ dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II”, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức họp khởi động nhiệm vụ “Đánh giá nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá tổn thương khí hậu, kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh cho các đô thị loại II”.

Tại cuộc họp, ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh phức tạp từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Nhằm thích ứng và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH gây ra, Việt Nam đã thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), tuy nhiên còn gặp phải những thách thức nhất định. Vì vậy, để tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu BĐKH phục vụ phát triển các đô thị loại II, Ban quản lý dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” tổ chức họp khởi động nhiệm vụ “Đánh giá nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá tổn thương khí hậu, kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh cho các đô thị loại II”.

Mục tiêu của chương trình là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá nhu cầu, nâng cao năng lực, cung cấp khóa đào tạo về kiểm kê khí nhà kính; đánh giá tính dễ bị tổn thương do khí hậu và kinh tế tuần hoàn (KTTH), mua sắm công xanh, phát thải carbon thấp... tại 3 thành phố: Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hà Giang (tỉnh Hà Giang), Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức họp khởi động nhiệm vụ

Trình bày tổng quan về kiểm kê khí nhà kính, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam Trần Thục cho biết, rủi ro khí hậu là kết quả tương tác giữa hiểm họa thiên tai với mức độ dễ bị tổn thương và phơi bày của tự nhiên với con người. Rủi ro xuất phát từ tác động của BĐKH, thiên tai và nước biển dâng…gây ảnh hưởng lớn đến con người, xã hội và môi trường.

Trong đó, mức độ dễ bị tổn thương do rủi ro khí hậu gây ra đối với xã hội sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người già, trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo; diện tích rừng phòng hộ ven biển, các hạ tầng đô thị… Những vấn đề này đều gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội đến hầu hết mọi quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam.

Theo ông Trần Thục, để thực hiện được nhiệm vụ trên, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm năng lượng; giao thông vận tải; công nghiệp; nông nghiệp; lâm nghiệp, sử dụng đất; xây dựng và chất thải, để có thể tính toán được lượng phát thải cho từng lĩnh vực kiểm kê, từ đó đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp.

Về vấn đề kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh, TS. Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc áp dụng kinh tế xanh và mua sắm công xanh lồng ghép các yếu tố môi trường sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh, KTTH, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho xã hội.

Ông Hồ Công Hòa đề xuất cần định hướng, nâng cao nhận thức về KTTH cho đội ngũ cán bộ thuộc các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH, công nghiệp và dịch vụ môi trường…

Mộc Trà (T/H)