Điện hạt nhân

Lắp đặt hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200

Chủ nhật, 13/12/2015 | 14:59 GMT+7
Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Năng lượng nguyên tử đã phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Lễ khai trương “Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200”.

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 do IAEA tài trợ thông qua dự án hợp tác kỹ thuật về “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” (VIE2010) với kinh phí 200.000 Euro, đã được Cục Năng lượng nguyên tử tiếp nhận và lắp đặt tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Hệ thống gồm 1 máy chủ và 4 máy trạm được cài đặt phần mềm bản quyền mô phỏng nhà máy điện hạt nhân công nghệ lò VVER-1200. Hệ thống có khả năng mô phỏng tính toán các thông số thực, cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra, quy trình vận hành và diễn biến hoạt động của lò phản ứng. Đây cũng là hệ thống mô phỏng thời gian thực về lò phản ứng VVER-1200 đầu tiên tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và đưa hệ thống đi vào vận hành tại Việt Nam, Cục Năng lượng nguyên tử đã chủ trì, phối hợp với IAEA và Công ty Western Services Cooperation (WSC, Hoa Kỳ) tổ chức 3 khóa bồi dưỡng tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 cho 8 cán bộ của Cục Năng lượng nguyên tử và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Đó là, khóa bồi dưỡng chuyên sâu về bảo trì và nâng cấp hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER-1200; Khóa bồi dưỡng về sử dụng hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER-1200; Khóa bồi dưỡng về kiểm tra và thử nghiệm mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER-1200.

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 sẽ hỗ trợ cho việc đào tạo nhân lực hạt nhân.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, lò VVER – 1200 thuộc công nghệ tiên tiến nhất của Liên Bang Nga đã được đề xuất lựa chọn cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam và hiện nay đang được xây dựng ở một số quốc gia trên thế giới. Việc lắp đặt hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 là công cụ để đào tạo các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ chuyên về lò phản ứng và năng lượng hạt nhân cho các nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu đào tạo, các cơ quan ban ngành trong cả nước.

Ngoài ra, thiết bị mô phỏng này có thể hỗ trợ một phần cho quá trình nghiên cứu, giúp cho việc nâng cao thêm năng lực thẩm định, đánh giá an toàn. Đồng thời là quá trình trực quan để những người không chuyên về hệ thống và nhà máy điện hạt nhân cũng có dịp nâng cao hiểu biết về quá trình vận hành ở các tình huống khác nhau.

“Chúng tôi mong muốn thông qua việc lắp đặt và vận hành hệ thống, các cán bộ kỹ thuật của nước ta sẽ có điều kiện đi sâu vào quá trình vận hành và các kịch bản ứng phó với sự cố, từ đó phát triển các kỹ năng, kiến thức trong các hoạt động nghiên cứu cũng như quản lý của mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cục Năng lượng nguyên tử và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã bố trí nhân lực tham gia quản trị, lắp đặt, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và khai thác hệ thống, đảm bảo sử dụng tối đa khả năng của hệ thống.

Dự kiến, việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2020. Nguồn vốn chính xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dựa vào hiệp định tín dụng liên chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga, trong đó phần vốn mà Việt Nam bỏ ra chủ yếu dành cho các hạng mục cơ sở hạ tầng bên ngoài và đào tạo nhân lực.

PV/Quỳnh Nga