Điện hạt nhân

Thiếu nhân lực năng lượng nguyên tử

Thứ sáu, 21/10/2016 | 19:17 GMT+7
So với nhu cầu thực tế, ngành năng lượng nguyên tử nước ta (NLNT) thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ ở mọi lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển, điện hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, quản lý Nhà nước, đào tạo…

Tại hội thảo quốc gia lần thứ II về ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết, ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển thì NLNT như một đầu tàu kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khoa học khác. Tuy nhiên tại Việt Nam, NLNT vẫn còn là một lĩnh vực nghiên cứu mới với nhiều tiềm năng ứng dụng chưa được khai thác một cách hợp lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu - triển khai chưa được nâng cấp, công tác xây dựng văn bản pháp quy chậm so với thực tiễn, còn do đội ngũ cán bộ nghiên cứu đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, những cán bộ trẻ vẫn còn thiếu về kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu.

Cần chú trọng đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục NLNT - cho hay, nước ta có khoảng 1.300 người có trình độ đại học trở lên, làm việc trong lĩnh vực NLNT. Trong đó, nhân lực phục vụ cho phát triển nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội là khoảng 1.000 người. Đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ của đất nước. Tuy nhiên, trong 1.300 cán bộ nói trên, số nhân lực trẻ có thâm niên công tác dưới 10 năm chiếm khoảng gần 60%; số nhân lực có thâm niên công tác trên 20 năm chiếm khoảng trên 20%.

“Ứng dụng NLNT là một lĩnh vực đòi hỏi nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm chủ công nghệ mới hiện đại, phức tạp. Trong khi đó, chúng ta đang đứng trước nguy cơ lớn về thiếu hụt lực lượng chuyên gia do đến năm 2020 ước tính sẽ có hàng trăm cán bộ sẽ về hưu, trong đó đa phần là các cán bộ giàu kinh nghiệm, hiện đang giữ các vị trí chủ chốt trong công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng NLNT” - tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, cơ sở vật chất và thiết bị còn thiếu hoặc chưa được sử dụng một cách hiệu quả cho việc đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực NLNT. Sự phối hợp để đào tạo mới chỉ ở giai đoạn đầu và còn có nhiều hạn chế. Sự hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo cũng chưa mang lại bước tiến đáng kể. Đặc biệt, đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ trẻ có thể đáp ứng được các yêu cầu cho việc cử đi đào tạo ở nước ngoài, cả về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng ngoại ngữ. Vì vậy, theo các chuyên gia, phải có kế hoạch quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực NLNT cụ thể.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT”. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Điện hạt nhân; 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Quản lý. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy và 500 lượt nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các nước phát triển về NLNT.

Theo Bộ KH&CN, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực NLNT của nước ta đến năm 2020 là hơn 4.300 người. Do đó, cần đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, pháp quy hạt nhân phục vụ nghiên cứu, ứng dụng NLNT.

PV/Long Nguyễn