Liên Hợp Quốc công bố báo cáo mới về biến đổi khí hậu

Thứ ba, 10/8/2021 | 16:39 GMT+7
Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý”, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các kế hoạch hướng đến phát thải bằng không nếu chúng ta muốn trái đất ngừng nóng lên. Loại bỏ CO2 là một công cụ quan trọng nhưng sẽ chỉ hữu ích khi đi kèm với giảm phát thải nhanh và sâu.

Ngày 9/8, phiên họp thứ 54 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) thông qua Bản tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách (SPM) của Nhóm công tác I đóng góp cho Chu kỳ đánh giá thứ sáu (AR6) mang tên “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý”.

Báo cáo của Nhóm công tác I được hoàn thành và phê duyệt bởi 234 tác giả và 195 chính phủ, là bản cập nhật lớn nhất về tình trạng kiến thức về khoa học khí hậu.

Báo cáo đánh giá cơ sở vật chất của biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, xem xét các vấn đề cơ bản như khí thải do con người gây ra đang dẫn đến những thay đổi cơ bản của hành tinh đối với hệ thống khí hậu. Báo cáo cũng cung cấp kiến thức về những thay đổi đã khiến con người phải chịu các tác động khí hậu đã ở mức nóng lên hiện nay, cũng như đánh giá những tác động này có thể tồi tệ hơn như thế nào nếu nhiệt độ và lượng khí thải tiếp tục tăng mà không được kiểm soát.

Cụ thể, báo cáo chỉ ra các phát hiện chính như: các hoạt động của con người đã làm trái đất ấm lên; những thay đổi nhanh chóng và phổ biến về khí hậu đã xảy ra và một số tác động của nó đã hiện rõ ở nhiều khu vực.

Trái đất nóng lên do tác động của con người

Theo đó, lượng khí thải do con người gây ra hiện là nguyên nhân khiến cho hành tinh bị thay đổi và kém ổn định hơn. Trái đất sẽ ấm lên 1,5 độ C trong tất cả các kịch bản. Trong lộ trình phát thải tham vọng nhất, trái đất sẽ nóng lên 1,5 độ C vào những năm 2030, vượt quá mức 1,6 độ C vào các năm tiếp theo và nhiệt độ giảm trở lại xuống 1,4 độ C vào cuối thế kỷ này.

Các nhà khoa học nêu bật sự cần thiết phải xử lý các loại khí nhà kính khác ngoài khí CO2 trong thời gian tới, việc phát thải khí mê-tan - một loại khí nhà kính mạnh đang được đặc biệt quan tâm.

Các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các kế hoạch hướng đến phát thải bằng không nếu chúng ta muốn trái đất ngừng nóng lên. Loại bỏ CO2 là một công cụ quan trọng nhưng nó sẽ chỉ hữu ích khi giảm phát thải nhanh và sâu.

Bà Christiana Figueres, cựu Thư ký Điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu nhận định: Báo cáo này là lời nhắc nhở chúng ta cần đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang một mô hình tăng trưởng xanh hơn, sạch hơn. Chúng ta có Thỏa thuận Paris, nếu tuân thủ tốt sẽ tránh được những tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó phụ thuộc vào các giải pháp được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân so với các tác động và đi đúng hướng để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về hành động khí hậu và tài chính Mark Carney nói: “Đánh giá của IPCC là rất quan trọng để hiểu được quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu, chính sách và các phản ứng chiến lược cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Báo cáo IPCC là tài liệu bắt buộc phải đọc đối với các ban lãnh đạo và cần thiết phải thực hiện các hành động chiến lược ngay lập tức để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu".

Thanh Tâm