Năng lượng mặt trời

Lợi ích kép từ giải pháp điện mặt trời phục vụ nuôi tôm

Thứ tư, 25/11/2020 | 15:05 GMT+7
Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút sự quan tâm của các chủ trang trại nuôi tôm, tạo điều kiện khôi phục lại ngành nuôi tôm sau một thời gian bị ngưng trệ.

Mô hình này đòi hỏi các chủ trang trại nuôi tôm đầu tư khá nhiều vốn cho hệ thống thiết bị và hạ tầng phục vụ nuôi tôm. Hệ thống đường ống dẫn nước và máy lọc nước phải được bố trí theo đúng quy định. Nước bơm vào ao nuôi được xử lý theo quy trình khép kín gồm 4 bước: lắng thô, xử lý thuốc, xử lý clo, đưa vào hồ nuôi. Đặc biệt, hệ thống sục khí oxy với các vòi sục khí phải được lắp đặt trải đều dưới đáy ao nuôi và hoạt động liên tục. Nguồn nước thải được thu gom lắng lọc, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Con giống và nguồn thức ăn phải được nhập từ các nhà cung cấp có uy tín.  

Trong quá trình nuôi tôm sử dụng công nghệ cao, các chủ trang trại nuôi tôm sử dụng máy móc nhiều hơn hẳn so với cách nuôi tôm truyền thống nên người nuôi tôm công nghệ cao rất quan tâm đến việc đảm bảo nguồn điện phục vụ cho hoạt động của trang trại bao gồm bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, theo dõi môi trường và các hoạt động khác (theo nghiên cứu của Hội nghề cá Việt Nam, chi phí sử dụng điện chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho một vụ nuôi tôm). Trên thực tế, các trang trại đều có diện tích khá lớn nên các chủ trang trại bắt buộc phải xây dựng trang trại ở các khu vực hẻo lánh, còn quỹ đất tương đối lớn nhưng lại xa lưới điện hiện hành. Do nhu cầu sử điện khá lớn nên nhiều hộ nuôi tôm phải chạy máy nổ, máy phát điện khá tốn kém.

Năng lượng mặt trời được sử dụng tại các đìa tôm tại Khánh Hòa

Thời gian qua, Điện lực Vạn Ninh, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) đã nỗ lực cấp điện phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực trên địa bàn địa phương. Tuy nhiên, do thời vụ thả tôm đồng loạt với rất nhiều trang trại tiến hành thả tôm trong cùng một thời điểm, bên cạnh đó, đa số hộ nuôi tôm sử dụng điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp ôxy cho tôm làm cho phụ tải tăng đột biến khiến quá tải cục bộ cho lưới điện tại một số khu vực tập trung nhiều trang trại nuôi tôm.

Đứng trước thực tế đó, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng điện của các ngành kinh tế và nhân dân địa phương, trong đó có sử dụng điện để phục vụ hoạt động của các trang trại nuôi tôm công nghệ cao, giai đoạn 2019 - 2020, Điện lực Vạn Ninh đã triển khai một loạt các công trình nâng cấp lưới điện hiện hành, bao gồm công trình hoàn thiện lưới điện trung áp khu vực Vạn Ninh với hạng mục xây dựng tuyến trung áp cấp điện khu vực Vạn Ninh, xây dựng đường dây 22kV dự phòng cáp ngầm khu vực Đại Lãnh; công trình xây dựng mới đường dây 22 kV từ TBA 11 kV Vạn Giã cấp điện cho trung tâm thị trấn Vạn Giã; công trình xây dựng tuyến trung áp cấp điện khu vực Tu Bông…

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn cho nhu cầu sử dụng điện của các trang trại nuôi tôm công nghệ cao, đơn vị đã hướng dẫn các chủ trang trại nghiên cứu và triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm do điện mặt trời đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ; tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện, giảm nhiệt độ cho ao, đìa nuôi tôm.  

Trong các hệ thống thiết bị sử dụng cho năng lượng mặt trời phục vụ hoạt động của trang trại nuôi tôm thì hệ thống thiết bị dùng điện mặt trời chạy máy sục ôxy nuôi tôm là cần quan tâm đầu tư nhất. Hệ thống này gồm 2 loại chính: pin năng lượng mặt trời tạo điện chạy mô tơ quạt nước bề mặt ao và điện mặt trời chạy hệ thống sục ôxy đáy ao. Với quạt nước bề mặt, tấm pin được lắp ngay trên phao nổi, hấp thụ nhiệt sinh điện chạy máy. Với hệ thống sục khí đáy ao, điện mặt trời được nạp vào bình ắc quy, chạy máy thổi khí ôxy xuống đáy ao qua các ống dẫn khí, phân tán lượng ôxy trong môi trường nước. Hệ thống thiết bị này cùng với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời khác tại các trang trại nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh sẽ tạo ra một giải pháp rất hữu hiệu về mặt kinh tế đối với ngành nuôi trồng có giá trị cao này, góp phần thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao phát triển ngày càng nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ ngành điện tăng cường khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân địa phương.

Theo cpc.vn