Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, hiện nay, nắng nóng (trong điều kiện độ ẩm cao) gây thiệt hại 677 tỷ giờ lao động, trị giá tới 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Theo một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Hoa Kỳ) được công bố trên tạp chí môi trường Environmental Research Letters vào ngày 13/1, hiện nay, nắng nóng (trong điều kiện độ ẩm cao) gây thiệt hại 677 tỷ giờ lao động, trị giá tới 2,1 nghìn tỷ USD hàng năm và biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm những thiệt hại này. Với 3,3 tỷ người lao động trên toàn cầu, tính ra có khoảng 205 giờ làm việc bị thất thoát trên đầu người mỗi năm.
Nắng nóng, đặc biệt là khi kết hợp với độ ẩm cao có thể khiến hoạt động của con người chững lại, đặc biệt khi họ đang làm những công việc nặng nhọc trong ngành nông nghiệp hoặc xây dựng. Khi khí hậu ngày càng nóng lên do phát thải khí nhà kính, mỗi mức tăng nhiệt độ nhỏ sẽ khiến thời gian làm việc bị thất thoát nhiều hơn vì các lý do liên quan đến nhiệt độ. Trong bốn thập kỷ qua, tổn thất lao động liên quan đến mức nhiệt đã tăng ít nhất 9% (> 60 tỷ giờ hàng năm) khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,4 °C do các hoạt động của con người.
Năng suất lao động bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. (Ảnh minh họa)
Ước tính mới về mất việc làm do nắng nóng và độ ẩm cao này nhiều hơn khoảng 400 tỷ giờ so với các ước tính được sử dụng rộng rãi khác - gần bằng với khối lượng công việc bị mất trong đại dịch COVID-19 do có nhiều dữ liệu cập nhật hơn về mức độ ảnh hưởng của nhiệt và độ ẩm đối với những người làm các công việc nặng. Dữ liệu mới cho thấy năng suất lao động có thể bị giảm, chậm lại ở mức nhiệt và độ ẩm còn thấp hơn so với giả định trước đây.
Một số quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi tổn thất lao động do nắng nóng. Ví dụ, Ấn Độ hiện mất khoảng 259 tỷ giờ làm việc mỗi năm do tác động của nhiệt độ và độ ẩm đối với lao động, cao hơn gấp đôi so với ước tính trước đây. Thiệt hại tính theo sức mua tương đương (PPP) ước tính là 624 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị PPP mà Hoa Kỳ thất thoát là 98 tỷ USD mỗi năm. Nếu không cắt giảm khí thải nhanh chóng, biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại ở các nước vốn đã nắng nóng và các quốc gia có khí hậu mát hơn trong thời gian trước sẽ bắt đầu chịu nhiều tổn thất lao động đáng kể hơn.
Theo nghiên cứu, từ năm 2001 đến năm 2020, Việt Nam ước tính thất thoát khoảng 19 tỷ giờ lao động mỗi năm do điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Điều này khiến Việt Nam tổn thất khoảng 236 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Con số này lớn hơn khoảng 18,77 nghìn tỷ đồng mỗi năm so với giai đoạn 1981 - 2001 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Lan Anh