Ngành Hệ thống điện – Đại học Bách Khoa Hà Nội, địa chỉ đỏ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho EVNNPC

Thứ năm, 6/10/2022 | 10:33 GMT+7
Bộ môn Hệ thống điện, nay là khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội là địa chỉ đỏ cung cấp cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc những lãnh đạo tài năng, kỹ sư giỏi, cán bộ tâm huyết vì mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam phát triển lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban lãnh đạo EVNNPC tự hào là những cựu sinh viên Hệ thống điện

Kể từ khi thành lập năm 1957, trên 15.000 sinh viên đã tốt nghiệp ngành Hệ thống điện, trưởng thành từ mái trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong một bài phỏng vấn được Ban biên tập Fanpage Hệ thống điện - Bách khoa Hà Nội đăng tải, đại diện khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Chúng tôi tự hào vì đã đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành điện và thành công của các thế hệ cựu sinh viên ngành hệ thống điện trên mọi lĩnh vực. 

Một trong những đơn vị có nhiều cựu sinh viên hệ thống điện đã và đang công tác là Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Đây là Tổng công ty có quy mô lớn trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý lưới điện của 27 tỉnh thành từ Hà Tĩnh trở ra (trừ Hà Nội). Khoa Điện tự hào vì Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và 3 Phó Tổng giám đốc đều là cựu sinh viên Hệ thống điện. Chưa kể các cựu lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các Ban của cơ quan Tổng công ty và lãnh đạo nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty cũng từng là cựu sinh viên Hệ thống điện. Bên cạnh đó, hàng nghìn kỹ sư giỏi đang công tác tại EVNNPC cùng các đơn vị thành viên cũng được đào tạo từ mái nhà Hệ thống điện – Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV EVNNPC tự hào là cựu sinh viên Hệ thống điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bà Ánh là sinh viên K37 văn bằng 2, bộ môn Hệ thống điện, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Từng du học Liên Xô, về công tác trong ngành điện nhưng để làm việc đúng chuyên môn, bà đã theo học văn bằng 2 và trưởng thành qua nhiều chức vụ, từ Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc và hiện là Chủ tịch HĐTV EVNNPC. 

Với cương vị là người đứng đầu EVNNPC, Chủ tịch HĐTV Đỗ Nguyệt Ánh khẳng định: Trong suốt nhiều năm qua, được sự hỗ trợ và giúp đỡ của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có rất nhiều cán bộ công nhân viên Tổng công ty đã tốt nghiệp tại mái trường uy tín này. 

Chúng tôi luôn đánh giá cao công tác đào tạo của nhà trường và mong muốn, bằng những kinh nghiệm quý báu của mình, các thầy, cô giáo của nhà trường tiếp tục có những đóng góp cũng như phối hợp chặt chẽ với EVNNPC để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thêm những chương trình đào tạo chuyên sâu và chương trình tích hợp hữu ích, đáp ứng được nhu cầu của hai bên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật điện tiên tiến.

Phó Tổng giám đốc EVNNPC Vũ Anh Phương kiểm tra tình hình vận hành trên hệ thống phần mềm tại TBA 110kV Yên Bái

Ông Vũ Anh Phương, một kỹ sư hệ thống điện có bề dày nhiều năm lăn lộn thực địa ở khắp các vùng miền phía Bắc, trực tiếp tham gia thi công, giám sát, quản lý các công trình đầu tư xây dựng điện lực của EVNNPC cũng từng học tập tại khoa Hệ thống điện – Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Hiện nay, với cương vị là Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, an toàn của EVNNPC, ông Phương cũng là người chắp nối quan hệ hợp tác nghiên cứu các công trình khoa học với khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, đưa khoa học, các công trình nghiên cứu từ lý luận đến với thực tế quản lý vận hành hệ thống điện miền Bắc.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tại EVNNPC bằng những đề tài khoa học thực tiễn

Trong những năm trở lại đây, với yêu cầu cấp bách là phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nhanh chóng phát triển ngành điện ngày càng hiện đại hơn nữa, vươn lên ngang tầm các nước trong khu vực và hệ thống điện thế giới, công tác hợp tác phát triển nguồn nhân lực luôn được EVNNPC ưu tiên đầu tư. 

Năm 2018, khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội hợp tác với EVNNPC, Công ty Điện lực Phú Thọ thực hiện 2 đề tài khoa học ứng dụng. Đó là nghiên cứu bổ sung chống sét cho đường dây 110kV và phần mềm quản lý điều hành giảm tổn thất điện năng của Công ty Điện lực Phú Thọ. Đây là 2 đề tài cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam do EVNNPC thực hiện và chủ trì.

PC Phú Thọ làm việc với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về công tác nghiên cứu khoa học

Các đề tài được hoàn thành trong năm 2019. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo giảm suất sự cố lưới điện, đặc biệt sự cố do sét đánh vào đường dây và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Gần đây nhất, trong tháng 9/2022, Công ty Điện lực Bắc Giang thuộc EVNNPC có buổi làm việc với các giảng viên khoa Điện, trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội về sóng hài trên lưới điện các khu công nghiệp.

Trong những năm qua, các đơn vị thành viên của EVNNPC đã phối hợp mở các lớp đào tạo vừa học vừa làm và văn bằng 2 chuyên ngành Hệ thống điện (lớp liên kết với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội theo hình thức đào tạo theo địa chỉ). 

PC Bắc Giang làm việc với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về đo sóng hài trên lưới điện các khu công nghiệp

Đặc biệt, Trung tâm Đào tạo - Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp học văn bằng 2 chuyên ngành Hệ thống điện với hơn 60 học viên là những cán bộ hiện đang công tác tại các Công ty Điện lực: Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Ninh; các Ban thuộc EVNNPC, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng công ty Điện lực Hà Nội... Đến nay, Trung tâm Đào tạo - Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được hơn 10 khóa đào tạo với hơn 600 lượt học viên chuyên ngành Hệ thống điện.

Mai Phương