Trong nước

Nhiều triển vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 3,8%

Thứ năm, 23/7/2020 | 11:24 GMT+7
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở (nhiều khả năng) và 2,2% với kịch bản bất lợi (ít khả năng).

Các chuyên gia đến từ VEPR nhận định, trong quý II/2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới, đạt 0,36%, trong khi CPI bình quân giảm do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh.

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8%

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia cho rằng, có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm. Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu được duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức trung bình…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong môi trường kinh tế thế giới bất ổn với nguy cơ tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng…

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.

Nam Thanh