Năng lượng sạch

Ninh Thuận khởi động đột phá năng lượng tái tạo

Thứ hai, 19/3/2018 | 10:15 GMT+7
Với đặc thù thời tiết nhiều nắng và gió, từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng mời gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chủ động triển khai xây dựng quy hoạch điện mặt trời; tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 19 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 1.154 MW và tổng vốn đăng ký sấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Hiện có 4 dự án đã khởi công và dự tính đưa vào sử dụng, hoàn thành trong năm 2018; 6 dự án đang tích cực hoàn tất thủ tục để khởi công trong năm 2018,...

Dự án điện gió Trung Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự khởi công dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 4/2018

Hứa hẹn từ điện gió

Sau 3 năm đôn đốc triển khai (2016-2018), đến cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành thu hồi, huỷ bỏ chủ trương nhiều dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án điện gió An Phong.

Đến ngày 20/01/2018, 3 trụ điện gió đầu tiên của Dự án điện gió Đầm Nại đã được đưa vào hoạt động thương mại. Dự án điện gió Đầm Nại (do doanh nghiệp FDI, nguồn vốn Singapore làm chủ đầu tư) có quy mô thực hiện trên 9,6ha, tại địa bàn các huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, công suất 40MW, tổng vốn đầu tư 1.523 tỷ đồng. Hiện dự án đã đưa 3 tuabin, công suất 6 MW vào hoạt động giai đoạn 1, Công ty Cổ phần Điện gió Đầm Nại tiến hành khởi công giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 10/2018.

Theo ông Đỗ Văn Điện - đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Đầm Nại: Tổng dự án gồm 16 trụ turbine của hãng Gamesa (mỗi turbine công suất 2,6 MW, đường kính cánh quạt 114m, là loại turbin gió lớn nhất Việt Nam hiện nay). Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể để góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngoài dự án điện gió Đầm Nại tràn đầy hứa hẹn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3 dự án điện gió khác cũng đang hoàn thành nhà điều hành, triển khai xây dựng trạm biến áp, móng trụ tuabin và các tuyến đường nội bộ, như: Nhà máy điện gió Mũi Dinh do Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh (doanh nghiệp Đức) làm chủ đầu tư, tại huyện Thuận Nam, quy mô công suất 37,6 MW, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 8/2018; Nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Bắc, quy mô công suất 105,75MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 (39,95 MW) đầu tiên vào quý IV/2018; Nhà máy điện gió Công Hải 1 do Tổng công ty Phát điện 2 làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Bắc, quy mô công suất 40,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành 3 MW đầu tiên (giai đoạn 1) vào tháng 4/2018.

Trên tinh thần đổi mới thu hút gắn với kiến tạo môi trường đầu tư, quan tâm doanh nghiệp nhiều hơn, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận không chỉ tổ chức nhiều cuộc gặp mặt đối thoại, để giải quyết hiệu quả hơn những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn tăng cường kiểm tra thực tế. Mới đây (ngày 8/3/2018), ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư tỉnh ủy đã đi kiểm tra tiến độ thi công công trình trọng điểm đập hạ lưu sông Dinh, các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Bí thư Nguyễn Đức Thanh vui mừng chia sẻ: “Có thể nói, khởi động năm 2018 của các dự án năng lượng tái tạo, điện gió đã khởi công và đang thi công khá khả quan, đúng định hướng. Đến thời điểm này, những khó khăn vướng mắc đều có biện pháo tháo gỡ, tiến độ thi công đảm bảo theo dự kiến. Điều đó có thể cho chúng ta một sự tin tưởng đóng góp tích cực của các dự án này vào sự nghiệp phát triển chung của địa phương…”.

14 dự án điện mặt trời thi công trong năm 2018

Song hành với với nguồn điện gió, đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng có 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 14 dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 716,5 MW, tổng vốn đăng ký 20.079 tỷ đồng và 5 dự án đang lập thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư tại tỉnh.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ điều chỉnh cơ chế giá theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017- TTCP về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, thì các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng như cả nước đang được các nhà đầu tư tích cực triển khai để kịp thời được thụ hưởng. Đến cuối tháng 01/2018, Nhà máy điện mặt trời Bim đầu tiên ở Ninh Thuận do Công ty Cổ phần năng lượng Bim làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Nam đã chính thức khởi công, với công suất 30MWp, diện tích đất 34,5ha, tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV/2018.

Ngoài ra, chỉ trong quý I và quý II/2018, Ninh Thuận còn có 13 dự án điện mặt trời hứa hẹn khởi công. Trong đó, 3 dự án đã hoàn tất các thủ tục xác định nguồn gốc đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn tất đánh giá tác động môi trường, dự kiến khởi công cuối quý I và II/2018 là: Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn do Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, tại huyện Ninh Sơn, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.362 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Thuận Nam, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng; Trang trại điện mặt trời SP- Infra Ninh Thuận do Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam (nguồn vốn Ấn Độ) làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Ninh Phước, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng.

Gian hàng giới thiệu tiềm năng tại Hội nghị xúc tiến đàu tư tỉnh Ninh Thuận


Trước sức bật mang tính đột phá của các dự án điện gió, điện mặt trời, Ninh Thuận sẽ sớm hoàn tất đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Ninh Thuận ít có bão, nhưng gần như nắng và gió quanh năm, lượng gió thổi đều suốt 10 tháng trong năm với tốc độ qua khảo sát đo được từ 6,4 - 9,6m/s đảm bảo cho turbin gió phát điện. Hiện Ninh Thuận là địa phương được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Đây được xem là một trong những chương trình trọng điểm, chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai không xa Ninh Thuận không chỉ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực mà nguồn kinh tế từ năng lượng tái tạo sẽ tương tác, bổ trợ nông nghiệp, du lịch song hành phát triển…”.10 dự án dự kiến khởi công trong quý II/2018 như: Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang làm chủ đầu tư, tại huyện Ninh Phước, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.425 tỷ đồng; Dự án CMX Renewable Energy Việt Nam do Công ty Cổ phần điện mặt trời CMX Re Sunseap (nguồn vốn Canada) làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Ninh Sơn, công suất 168MW, tổng vốn đầu tư 4.398 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 4/2018, vận hành tháng 5/2019; Dự án Thiên Tân Solar do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư, tại huyện Bác Ái, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.418 tỷ đồng; Trang trại điện mặt trời Gelex- Ninh Thuận do Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận làm chủ đầu tư, tại huyện Thuận Nam, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.335 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2019; Nhà máy điện mặt trời Ninh Phước do Công ty Cổ phần công nghiệp năng lượng Ninh Thuận làm chủ đầu tư, tại huyện Thuận Nam, công suất 45MW, vốn đầu tư 1.070 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 6/2019; Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 do Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng làm chủ đầu tư, tại huyện Thuận Nam, công suất 49 MW, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, dự kiến hoạt động trong tháng 5/2019; Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Ninh Phước, công suất 50 MW, vốn đầu tư 1.403 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019; Dự án điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1 do Công ty TNHH Sinenergy (doanh nghiệp Singapore) làm chủ đầu tư, tại huyện Ninh Phước, công suất 50MW, vốn đầu tư 1.319 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dự án vào đầu năm 2019 và dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1, do Công ty Cổ phần BP Solar làm chủ đầu tư, thi công tại huyện Thuận Nam, công suất 46MWp, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2019.

Theo báo Công Thương