Tại thành phố Đà Lạt, ngày 27/8, diễn ra Hội thảo phân tích, đánh giá rủi ro và giải pháp ngăn chặn, phòng tránh để giảm thiểu sạt lở đất. Tham dự có các chuyên gia đến từ Nhật Bản, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhiều đơn vị doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Ở Việt Nam, khí hậu phân thành ba vùng cơ bản: nhiệt đới gió mùa (10 - 38°C), nhiệt đới (21-35°C) và loại chuyển tiếp. Về cấu trúc địa chất, toàn quốc có 5 khối: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Kontum và khối phía Nam. Lượng mưa trung bình năm ở Việt Nam từ 1.200-3.000 mm.
Về quản lý rủi ro tai biến thiên nhiên và tai biến địa chất (TBĐC) ở Việt Nam đã có khung pháp lý toàn diện về phòng chống thiên tai, theo đó có hệ thống tổ chức các cơ quan tham gia theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ. Cùng với đó, tại Việt Nam đã có hệ thống thông tin dự báo, cảnh báo ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Tính đến tháng 3/2024, các địa phương lắp đặt bổ sung 2.552 trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Tổng quan về đặc điểm tự nhiên ở Việt Nam
Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở; lập các bản đồ quản lý rủi ro; thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo sớm. Đó còn là triển khai thực hiện giáo dục, tuyên truyền, phổ biến tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng…
Nguyên nhân gây ra các sự cố đường bộ trong những năm gần đây rất đa dạng, bao gồm động đất, mưa lớn. Khi thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn và xảy ra thường xuyên hơn, vấn đề này càng trở nên cấp bách. Thiên tai trong lĩnh vực đường bộ xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm đá rơi, sụt trượt đất, lở đất, lũ bùn đá, xói lở và sạt lở mái ta luy.
Theo ông Mikio Mori-Chuyên gia địa chất của Nhật Bản, các nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất trước hết là do cấu trúc đất. Các hiện tượng chính là sạt trượt dạng dòng (lũ quét sườn dốc, sạt lở đất, lũ bùn đá); trượt do xói lở bờ sông…Một trong những giải pháp được thực hiện ở Nhật Bản là thiết kế/quy hoạch tuyến đường mới tránh các vùng có nguy cơ TBĐC. Thực tế đã đem lại hiệu quả rất rõ về phòng chống rủi ro thiên tai. (Tổng mức đầu tư lên đến 5.8 nghìn tỷ Yên từ năm 1975 đến 1998 để giảm số sự cố thiệt hại do TBĐC đường bộ hàng năm xuống 27.000 sự cố/năm của năm 1999 so với năm 1975). Đó còn là những giải pháp kỹ thuật khác như: Giải pháp cắt cơ hoặc dỡ tải phần mái dốc sườn núi có nguy cơ trượt; Tường chắn (ở sườn núi); Neo đá/bê tông phun; Kết cấu khung (khung dầm BTCT); Giải pháp thoát nước; Kè chống xói mòn sông; Giải pháp tác động lực giữ từ bên ngoài đối với kiểu sạt trượt …Và giải pháp thúc đẩy áp dụng giải pháp trồng cỏ để phủ xanh thảm thực vật, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường.
Thử nghiệm biểu diễn chùm điểm chụp bằng Rada khẩu độ tổng hợp giao thoa nhỏ được Chính phủ Nhật Bản thực hiện tại VietnamSabo và Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương
Theo Tiến sĩ Ngô Doãn Dũng-Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, những thách thức trong thực tiễn quản lý rủi ro TBĐC hiện nay bao gồm: nguồn lực và kinh phí hạn chế; nhận thức và giáo dục cộng đồng; tác động của biến đổi khí hậu; công tác quy hoạch sử dụng đất; công tác khảo sát thiết kế xây dựng công trình.
Vấn đề đặt ra là, thông tin về thảm họa TBĐC (nguyên nhân, tình trạng, thiệt hại) được thu thập chưa đầy đủ. Đánh giá thảm họa không được tiến hành đúng cách; Phân tích rủi ro thảm họa TBĐC và bản đồ nguy hiểm mà người dân sử dụng không được chuẩn bị đúng cách; Quy hoạch, phát triển quỹ đất được mở rộng đến khu vực có nguy cơ cao; Thông tin thủy văn khí tượng để dự báo thảm họa TBĐC không đủ; Cảnh báo được ban hành cho khu vực rộng lớn. Tiêu chí cảnh báo trong điều kiện địa phương cụ thể không được xây dựng; Kinh nghiệm và công nghệ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng (đường bộ, đường sắt, nhà máy điện, v.v.) không đủ.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp được đặt ra cùng thải luận. Trước hết, xác định các cơ quan chịu trách nhiệm và hợp tác đối với thảm họa TBĐC. Sau đó là các giải pháp: Lập bản đồ rủi ro để nhận biết các khu vực có thể bị ảnh hưởng; Ban hành luật quy định sử dụng đất về phát triển đất đai ở khu vực có nguy cơ cao và áp dụng vào kế hoạch sử dụng đất; Triển khai các biện pháp cứng rắn như một dự án thí điểm ở khu vực quan trọng. Cải thiện độ chính xác của hệ thống quan trắc thông tin lượng mưa hiện có; Phát triển các tiêu chí cảnh báo dựa trên thông tin lượng mưa (cường độ mưa, độ ẩm đất, v.v.); Xây dựng hệ thống thu thập và tích lũy hồ sơ về các thảm họa TBĐC trong quá khứ, thông tin thủy văn khí tượng, v.v. và triển khai dự án thí điểm về cảnh báo sớm; Tăng cường cảnh báo sớm và sơ tán thông qua quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Kiểm kê các cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương, các khu dân cư, v.v.; Bắt buộc đánh giá tác động của thiên tai đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng; Ưu tiên đầu tư vào các biện pháp chống thảm họa TBĐC để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc tháng 7/2023 làm 4 người chết và ách tắc giao thông trên Quốc lộ 20 nhiều giờ
Tham gia Hội thảo, ông Yuichi Yamaguchi-Chuyên gia quản lý thiên tai và ứng phó rủi ro địa chất của một doanh nghiệp Nhật Bản cũng giới thiệu công nghệ mới về phân tích và đánh giá rủi ro địa chất. Dự án được xem là công cụ quản lý rủi ro địa chất đường bộ (sạt trượt) theo vị trí đường bộ... đã được Ngân hàng Thế giới tài trợ và triển khai tại Indonesia và các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Ông Yuichi Yamaguchi cho biết, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (TA) này nếu cần thiết có thể yêu cầu các nhà tài trợ như tổ chức JICA hay các tổ chức khác nhằm tăng cường năng lực quản lý về giảm thiểu rủi ro thiên tai ảnh hưởng tới đường bộ trong thời hạn 3 năm.