Quy hoạch, xây dựng

Phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ hai, 22/7/2024 | 08:54 GMT+7
Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 655 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/7/2024 .

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch) đặt ra các yêu cầu là: Thực hiện quy hoạch phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảm bảo tuân thủ các Nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia liên quan đã được phê duyệt; đảm bảo không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Đảm bảo đồng bộ giữa kế hoạch với giải pháp, chính sách và nguồn lực thực hiện; bảo đảm khả thi, linh hoạt trong triển khai thực hiện các dự án theo từng thời kỳ, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia. Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống cảng hàng không. Theo đó, có các nhiệm vụ chủ yếu sau.

Quy hoạch Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành năm 2024 (Ảnh NIA)

Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch

Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hệ thống cảng hàng không theo quy hoạch được phê duyệt.

Cung cấp các dữ liệu quy hoạch phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương tích hợp vào các quy hoạch có liên quan; triển khai thực hiện lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng về nội dung quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không.

Báo cáo, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch theo định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành áp dụng các loại vật liệu bao che tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường (phối cảnh) 

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng không dân dụng (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định, Thông tư, đề án, các văn bản hướng dẫn) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đáp ứng nhu cầu phát triển; tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không; quản lý khai thác cảng hàng không và sân bay chuyên dùng.

Xây dựng, hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không nhằm hoàn thiện các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể (bao gồm nội dung rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan) để tạo hành lang pháp lý đầy đủ làm cơ sở triển khai huy động các nguồn lực ngoài nhà nước; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung Chương trình an toàn hàng không quốc gia, Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Quy hoạch CHK  quốc tế Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành năm 2024-2025 

Triển khai việc cải thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực hàng không dân dụng.

Lập quy hoạch các cảng hàng không

Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không (gồm 14 Cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 Cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa), bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

Phối hợp với các địa phương tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không tiềm năng (khi có nhu cầu) bao gồm (i) các sân bay phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (Yên Bái, Gia Lâm, Gia Bình), (ii) các vị trí tiềm năng theo đề xuất của các địa phương, có vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh) và (iii) các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không khi đủ điều kiện; trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư và xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

Quy hoạch CHK Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến hoàn thành năm 2024

Tổ chức đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch các cảng hàng không khi không triển khai được hoặc bổ sung các cảng hàng không khi có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Nguồn vốn lập quy hoạch: Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ưu tiên đầu tư phát triển

Về hạ tầng cảng hàng không, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn; ưu tiên nguồn lực đầu tư các cảng hàng không đầu mối, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không như: hàng rào vành đai, các cổng, cửa, các lối ra vào khu vực hạn chế, hệ thống bốt gác, đường tuần tra canh gác, chiếu sáng, bãi đỗ biệt lập. Tiêu chuẩn hoá, đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống phương tiện, trang bị, thiết bị an ninh hàng không như: cổng từ, máy soi, camera giám sát, thiết bị chống đột nhập, máy phát hiện chất nổ...; từng bước hiện đại hoá hệ thống thiết bị an ninh hàng không theo công nghệ tiên tiến của thế giới.

Về hạ tầng bảo đảm hoạt động bay, lập, cập nhật, điều chỉnh các kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm khai thác an toàn, hiệu quả trong toàn bộ hai vùng thông báo bay của Việt Nam và tại các cảng hàng không trên cả nước trong bối cảnh tốc độ phát triển ngành hàng không dân dụng ngày càng gia tăng và yêu cầu đặc thù của hội nhập quốc tế đối với dẫn đường hàng không. Đôn đốc thực hiện các dự án cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không (ANS) trọng điểm bảo đảm tiến độ như Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh.

Cảng hàng không Liên Khương vừa chuyển lên CHK quốc tế đầu tiên tại Tây Nguyên 

Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không theo Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam định hướng đến năm 2030 , bao gồm các giải pháp về tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hiệu quả phối hợp hoạt động bay hàng không dân dụng và quân sự, tối ưu hóa sử dụng vùng trời; hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị song song với đổi mới áp dụng các phương thức bay mới và phương thức điều hành bay tiên tiến.

Dự kiến nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 23,83 nghìn ha; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 26,09 nghìn ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không (không bao gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư) dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 ước khoảng 422,64 nghìn tỷ đồng.

Minh Đạo