Kinh tế xanh

Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam

Thứ tư, 24/5/2023 | 16:50 GMT+7
Ngày 24/5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, Viện KHXH vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”. Chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2024, với mục tiêu nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương của Việt Nam từ nay đến năm 2035, tầm nhìn 2045, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế biển là ưu tiên số một trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo Nghị quyết 36/NQ-TW, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Nghị quyết 36-NQ/TW đưa ra 5 chủ trương lớn, 3 khâu đột khá và 7 nhóm giải pháp, trong đó phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, dựa trên quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Theo bà Trần Thị Lan Hương, hội thảo tập trung làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - nơi có điều kiện để khai thác phát triển tiềm năng kinh tế biển theo hướng tổng hợp và bền vững các ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản biển, giao thông vận tải biển, khu công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo trên biển và phát triển du lịch biển.

Đây cũng là vùng tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn, có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới; có nhiều vùng biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch biển; tài nguyên dầu khí và nhiều tài nguyên biển khác; đồng thời là vùng tập trung nguồn tài nguyên nuôi trồng và đánh bắt gắn liền với chế biến thủy hải sản lớn trên cả nước.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế biển cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung, khu vực Trung Bộ nói riêng, các hạn chế rào cản trong phát triển kinh tế biển, từ đó có những kiến nghị đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới.

Cụ thể, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính gồm: một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế biển; vai trò của chính quyền điạ phương trong phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành công nghiệp ven biển; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển; sử dụng tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, liên kết logistics trong phát triển kinh tế biển; phát triển các ngành kinh tế thuần biển (làm muối, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ…), phát triển du lịch biển, khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển, nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững…

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, xác định được vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển, thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định...

Bà Ngô Thị Kim Yến mong rằng các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trao đổi, làm rõ những nội dung như: vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền biển đảo và những thuận lợi, khó khăn có liên quan; việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, tiềm năng và lợi thế; việc phát triển nuôi trồng, khai thác hải sản ven biển và vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học, phát triển bền vững; việc liên kết phát triển logistics; vấn đề sinh kế của cư dân ven biển; đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển hiện nay…

Khánh An (T/H)