Phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản theo mô hình kinh tế xanh

Thứ sáu, 29/7/2022 | 10:12 GMT+7
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu phát triển các dự án khai thác, chế biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên...

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong nhiều năm qua, việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành khoáng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản thiếu quy hoạch, khó kiểm soát. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, thiết bị lạc hậu đã và đang tham gia khai thác và chế biến khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường.

Nhu cầu về các loại khoáng sản của thị trường trong và ngoài nước là rất lớn và ngày càng tăng do đó cần phát triển các công tác thăm dò, khai thác, chế biến các khoáng sản một cách có hệ thống phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là yêu cầu cấp bách vì ngành khai khoáng, chế biến quặng là ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên vật liệu quan trọng không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp khác (ngành điện, hóa chất, chế tạo máy, giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp xây dựng...).

Đồng thời phát triển mạnh khai thác, chế biến, luyện quặng còn tạo việc làm cho hàng vạn người lao động, thúc đẩy sự phát triển của nhiều vùng dân cư về văn hóa, xã hội, đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, dịch chuyển cơ cấu sản xuất... Do đó, ngành công nghiệp khoáng sản cần phải phát triển có định hướng và theo quy hoạch chung của quốc gia.

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo ông Đỗ Thắng Hải, công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, là cơ sở để cấp phép hoạt động khoáng sản, đẩy mạnh việc khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản, từng giai đoạn phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo phát triển khoáng sản hiệu quả và bền vững.

Theo Bộ Công Thương, trước đây các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đối với từng loại khoáng sản đã được lập riêng rẽ nên các quy hoạch này thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược khoáng sản quốc gia đã đề ra.

Do vậy, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể về ngành khoáng sản với 5 quan điểm và mục tiêu phát triển cụ thể của từng loại khoáng sản đã được đưa vào dự thảo tờ trình và dự thảo Quyết định Quy hoạch khoáng sản để khắc phục các tồn tại của các quy hoạch trước đây.

Trong đó, dự thảo tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ nêu cụ thể, công tác quy hoạch phải phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển hạ tầng có liên quan. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển các dự án khai thác, chế biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên...

Hướng tới phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch khoáng sản nhằm làm rõ một số nội dung: sự phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt và quy trình lập quy hoạch; đánh giá hiện trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nhóm/loại khoáng sản, tình hình thực hiện các quy hoạch khoáng sản thời kỳ trước; quan điểm, mục tiêu thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nhóm/loại khoáng sản trong kỳ quy hoạch; định hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động khoáng sản; các vấn đề về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (DMC) của quy hoạch.

Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng thẩm định, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia phản biện đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch khoáng sản. 

Hội thảo không chỉ đánh giá về Quy hoạch khoáng sản theo các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao mà còn đưa ra các đánh giá các nội dung, định hướng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo là cơ sở để Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tổng hợp, hoàn thiện Quy hoạch khoáng sản để trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch trong thời gian tới đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết của Quốc Hội, Nghị quyết của Chính phủ.

Anh Thư