Năng lượng mặt trời

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời

Thứ năm, 28/1/2021 | 10:07 GMT+7
Năng lượng mặt trời kết hợp lưu trữ sẽ là một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, giảm chi phí phát điện đắt đỏ vào giờ cao điểm; đồng thời tiếp tục huy động được sự tham gia của xã hội vào phát triển thị trường điện mặt trời vốn có nhiều tiềm năng.

Hội thảo Lợi ích của hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời và các khuyến nghị về chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng cho biết: Thực trạng khai thác điện mặt trời trong thời gian qua cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời trong tương lai là rất lớn, dự kiến sẽ đạt 20.000MW vào năm 2030. Thậm chí, trong Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng đã phân tích và dự kiến tiềm năng lớn phát triển năng lượng mặt trời mái nhà có thể lên tới gần 50.000MW. Do đó, bức tranh về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời là rất lớn so với thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế, hiện nay, cơ cấu nguồn và phân bổ nguồn của chúng ta chưa đồng đều, năng lượng mặt trời hiện chỉ tập trung chủ yếu ở Nam Trung Bộ, trong khi năng lượng than và dầu khí tập trung ở phía Bắc, còn thủy điện thì rải rác miền ở miền Trung và miền Bắc, dẫn tới việc trao đổi liên kết giữa các vùng miền rất phức tạp và nguồn chưa đủ cân đối. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện của chúng ta có tổng số giờ, phút quá tải các đường dây tương đối lớn, nhiều khu vực vào đợt cao điểm quá tải hơn 100%, thậm chí quá tải cục bộ, từ đó xuất hiện nhiều khó khăn trong vận hành, cụ thể như không trùng hợp giữa nguồn phát của điện mặt trời và nhu cầu truyền tải của hệ thống. Với dự kiến trong tương lai theo Tổng sơ đồ điện VIII, từ năm 2030 cho đến năm 2045 nhu cầu điện năng rất lớn, trong khi năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng, từ đó đặt vấn đề, cần phải có hệ thống lưu trữ, tích trữ điện.

Hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp chi phí thấp và ít phát thải để cung cấp điện trong giờ cao điểm, thay thế các nguồn điện phủ đỉnh chi phí cao và phát thải

Theo các chuyên gia tại hội thảo, để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong tương lai, có nhiều phương pháp tích hợp các công nghệ mới có thể có ích cho Việt Nam, ví dụ như hệ thống lưu trữ năng lượng (Energy Storage System – ESS).

Theo ông Mark Lesile, Giám đốc Điều hành nhóm giải pháp và công nghệ năng lượng, Công ty tài chính Macquarie cho biết, hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp chi phí thấp và ít phát thải để cung cấp điện trong giờ cao điểm, thay thế các nguồn điện phủ đỉnh chi phí cao và phát thải lớn. Đây là giải pháp hỗ trợ tích hợp nguồn điện mặt trời vào lưới điện bằng cách giới hạn công suất phát lên lưới để hỗ trợ cho quá trình nạp xả của hệ thống lưu trữ. Giải pháp này rẻ hơn, ít phát thải hơn các dạng nguồn có thể dự báo, ví dụ như than, khí...

Theo đại diện Công ty Năng lượng Blueleaf Energy, hệ thống lưu trữ năng lượng cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và xả vào giờ cao điểm để đáp ứng phụ tải đỉnh. Trong thời gian qua, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo phát lên hệ thống đã đặt ra nhiều thách thức khi cân bằng năng lượng trong thời điểm phụ tải thấp. Càng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo thì càng giảm năng lượng truyền thống; điều này sẽ làm suy giảm khả năng điều tiết hệ thống điện. Nguồn điện mặt trời không liên tục và biến động thất thường nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện. Việc kết hợp giữa điện mặt trời và hệ thống lưu trữ có thể làm mịn đặc tính phát, do đó gây ít tác động đến vận hành lưới điện, giúp nguồn phát điện mặt trời ổn định hơn. Từ đó, giảm phụ thuộc vào nguồn diesel/HFO để cung cấp phụ tải đỉnh. Đồng thời, giải pháp này có thể tăng số lượng các nguồn phát có thể dự báo được cung cấp nội địa và không phụ thuộc vào giá nhiên liệu hay rủi ro tỷ giá...

Tiến Đạt