Kinh tế xanh

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thứ năm, 24/10/2024 | 17:24 GMT+7
Ngày 24/10, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, khung chính sách hỗ trợ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn điển hình góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện khả năng tiếp cận sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn của các nền kinh tế APEC tới thị trường toàn cầu.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày từ 24 - 25/10 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên APEC. Sự kiện tập trung thảo luận vào 3 nội dung chính gồm: thực trạng phát triển, tầm quan trọng, lợi ích, các chính sách liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác; chia sẻ một số mô hình thực hành tốt về nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, thủy sản của Việt Nam; lộ trình và khuyến nghị phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam cũng như các nền kinh tế APEC khác.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khu vực APEC và toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực phát triển kinh tế, sự cạn kiệt tài nguyên, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu. Việc giải quyết những vấn đề này không còn nằm trong phạm vi ranh giới một quốc gia hay nền kinh tế nào cả mà đòi hỏi phải có hành động tập thể và ngay lập tức từ tất cả chúng ta, từ tất cả các nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên và lượng phế thải tạo ra từ đó nâng cao giá trị kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên, giảm tác động gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy kết nối với các hoạt động kinh tế khác nhau tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Nông nghiệp, một trong những cấu phần quan trọng của nền kinh tế không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý sẽ góp phần gia tăng hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân.

Mục tiêu chính của APEC là thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực. Sự đa dạng của các nền kinh tế tạo nên một đặc trưng riêng biệt của APEC, khi cả hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng bền vững và bao trùm. Trong tiến trình phát triển, APEC luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho các quốc gia học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về lộ trình phù hợp, đề xuất chính sách nhằm phát triển nông nghiệp tại Việt Nam và các quốc gia thành viên APEC. Hội thảo còn là dịp góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên APEC thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu giao lưu, trao đổi, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển nông nghiệp tuần hoàn giữa các quốc gia APEC.

Mỹ Dung (T/H)