Kinh tế xanh

Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon rừng

Thứ năm, 3/10/2024 | 15:53 GMT+7
Ngày 3/10, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội thảo "Carbon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng".

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thị trường carbon, chính sách quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon trong nước. Hội thảo cũng tập trung thảo luận về thực trạng, tiềm năng của carbon rừng, xác định những cơ hội thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc phát triển thị trường carbon rừng. Từ đó đề xuất giải pháp, định hướng phát triển bền vững cho thị trường này.

Thị trường carbon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Khai thác tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, lâm nghiệp hiện là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm. Thành công này là nhờ có chính sách về phát triển lâm nghiệp của Chính phủ như việc đóng cửa rừng tự nhiên, trồng rừng, bảo vệ, phát triển rừng và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lâm nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết thỏa thuận mua bán giảm phát thải carbon cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent).

Ông Trần Quang Bảo thông tin, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định về lĩnh vực lâm nghiệp; nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải, hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương. Cục cũng sẽ xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng, triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng. Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng, quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng.

Tại hội thảo, ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ, giai đoạn 2011 - 2018, với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã tính toán được tổng lượng giảm phát thải carbon từ rừng đạt 56 - 57 triệu tấn mỗi năm. Đây là cơ sở để Việt Nam ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải carbon rừng cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Ông Hà Công Tuấn nhận định, giảm phát thải từ rừng thời gian tới sẽ không còn nhiều bởi trồng rừng hiện chủ yếu là trồng lại diện tích rừng sản xuất đã khai thác. Trong khi đó, dư địa tăng hấp thụ carbon chủ yếu là tăng chất lượng rừng. Để nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, cần phải mất hàng chục năm.

Chính phủ có kế hoạch hình thành thị trường carbon chính thức vào năm 2028. Theo đó, ông Hà Công Tuấn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì thị trường giao dịch tự nguyện trên cơ sở hợp tác quốc tế, hợp tác khung về biến đổi khí hậu; coi đây là hoạt động thí điểm để năm 2028 vận hành thị trường giao dịch carbon.

Huyền Dung (T/H)