Kinh tế xanh

Doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đầu tư phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam

Thứ ba, 24/9/2024 | 10:14 GMT+7
Ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã tiếp và làm việc với ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Erex Nhật Bản về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hoan nghênh các nỗ lực tiên phong của Công ty CP Erex trong đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon, đặc biệt trong lĩnh vực điện sinh khối. Tín chỉ carbon thu được từ các dự án sẽ được phép trao đổi trên thị trường carbon tại Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, tùy thuộc các cơ chế song phương và ưu tiên của Chính phủ mà tín chỉ carbon có thể được chuyển giao về nước đối tác, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của các quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hiện nay quy định về tổ chức và việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, được quy định chi tiết tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình rà soát, chỉnh sửa một số điều của các văn bản pháp luật có liên quan để sớm có thể giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp và làm việc với ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Erex Nhật Bản

Trao đổi với Bộ Trưởng Đỗ Đức Duy, ông Honna Hitoshi cho biết, Công ty Erex là một trong các doanh nghiệp đang rất tích cực tìm hiểu và đầu tư trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam. Công ty mới nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản để triển khai thêm 2 nhà máy điện sinh khối, mỗi nhà máy có công suất 50MW tại Yên Bái và Tuyên Quang theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Đối với các dự án dự kiến đăng ký theo JCM, phía công ty đề xuất tỷ lệ phân bổ tín chỉ carbon đảm bảo ở mức hài lòng cho các bên là Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và cho Công ty Erex.

Liên quan đến JCM, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan phía Nhật Bản để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện dự án trong khuôn khổ Cơ chế đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước của 2 quốc gia, cũng như tương thích với quy định của quốc tế; đồng thời sẽ tiếp nhận, trao đổi về các hồ sơ ý tưởng dự án, đăng ký dự án, phương pháp luận mới xin áp dụng cho JCM.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Chủ tịch kiêm Tổng gám đốc Honna Hitoshi đã nghe các đơn vị chuyên môn của hai bên thảo luận sâu hơn về JCM và cơ chế giao dịch khí phát thải (ETS). Trong đó, Công ty Erex đề xuất tổ chức cuộc họp Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản để thảo luận, đưa ra những thống nhất chung cho hai bên về lĩnh vực này. Erex cũng đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt chung để tạo lập thị trường ETS tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá Erex là đơn vị tiên phong đầu tư vào Việt Nam và cam kết lâu dài sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero). Bộ trưởng giao Cục Biến đổi khí hậu trực tiếp trao đổi và làm việc với công ty về các nội dung liên quan đến JCM cũng như quyền phát thải.

Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài như công ty Erex đã đến Việt Nam đầu tư các dự án công nghệ mới, giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ, cung cấp, trao đổi thông tin với công ty Erex để công ty có thể sớm đầu tư triển khai nhiều dự án giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam. Hy vọng rằng Công ty EREX và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai quốc Việt - Nhật, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Huyền Dung (T/H)